5 giai đoạn của nỗi đau
Cho dù bạn có sống trong một môi trường tuyệt vời với những con người tuyệt vời thế nào đi nữa. Nỗi đau sẽ luôn ở đó với bạn. Hạnh phúc có thể phải phấn đấu để tìm kiếm nhưng nỗi đau thì là khi bạn không còn muốn phấn đấu nữa. Nỗi đau tồn tại với bạn như chính bản chất vốn có của con người. Nỗi đau chỉ có thể vơi đi nhưng rất hiếm trường hợp nỗi đau hoàn toàn bị dẹp bỏ.
Có thể đọc đến đây, mình đã vô tình khơi gợi một nỗi đau nào đó ẩn giấu trong con người bạn bấy lâu nay (thật là xin lỗi!). Nhưng không phải vì chúng ta nhắc lại mà nỗi đau mới xuất hiện, nó vẫn nằm đó mà thôi, và có thể sẽ theo bạn đi đến cuối cuộc đời.
Bạn có biết nỗi đau đã lớn lên như thế nào không? Đây là 5 giai đoạn được đề xuất bởi nhà tâm lý học Elisabeth Kubler Ross. Bạn có thể sẽ thấy mình trong đó, và mong rằng bạn đã đi đến được bước thứ 5.
1.Chối bỏ hay phủ nhận
Nghĩa là vẫn còn chút hy vọng le lói nào đó bên trong bạn nói rằng: “điều này không phải là sự thật!”. Trong hầu hết các trường hợp, đó chỉ là lý luận của chính bạn tạo ra vì bạn không muốn chấp nhận một sự thật phũ phàng như thế. Mình dùng chữ hầu hết vì cá nhân mình vẫn tin tưởng ở “phép màu” – là điều trái với logic nhận thức nhưng thỉnh thoảng nó vẫn xảy ra, dù vẫn biết rằng vô cùng hiếm hoi.
Bạn chia tay với một mối tình sâu nặng, bạn nhìn thấy người thân yêu trút hơi thở cuối cùng, bạn đối diện với thái độ lạnh lùng của những người xunh quanh, bạn thất bại ê chề sau bao nhiêu là nổ lực và cố gắng…Khi sự thật phơi bày ra trước mắt, nó không thể nào thay đổi được. Chỉ là bạn chưa thể nào chấp nhận được ngay. Điều này như một sự “lệch pha” giữa thực tế khách quan và nhận thức của tâm hồn bạn.
Ở bước này, chỉ mong bạn có thể bước tiếp bước thứ 2 dù chưa có gì sáng sủa hơn. Nhưng bất cứ ai mãi mắc kẹt trong sự chối bỏ nổi đau sẽ mãi trở thành nô lệ của nỗi đau mà thôi.
2. Giận dữ
Giận dữ trước nỗi đau đôi khi không nhất thiết phải bộc lộ ra thái độ bên ngoài. Nhưng thường thấy nhất là qua lời nói của bạn. Bạn sẽ có xu hướng oán trách một cái gì đó, nhiều người oán trách người khác, không được họ lại oán trách ông Trời. Đôi khi tức giận với một số người lên đến cao trào, họ có thể bộc lộ bằng nhiều hành vi không kiềm chế.
Ở khía cạnh tích cực, người đến giai đoạn này đã bước thêm một bước nữa để chấp nhận thực tại. Vì họ chỉ tức giận khi họ hiểu ra đây là điều họ không thể nào thay đổi được. Bên cạnh đó, khi đổ lỗi cho ai khác họ sẽ ít tập trung hơn vào nỗi đau, bằng cách nào đó, nỗi đau được “giải tỏa” qua những lời nói và hành vi tức giận đó một cách nhất thời. Nếu bạn đóng vai trò là người thân, sẽ hiểu và thông cảm được.
3.”Phải chi”
Đây là lúc mà những tiểu tiết của sự việc xảy ra sẽ xâm chiếm bạn. Bạn sẽ ước gì mình có cơ hội nào đó để làm lại. Bạn sẽ không còn chú tâm giận dữ đổ hết tội lỗi cho người khác nữa, nhưng tập trung vào chính những gì mà bạn nghĩ “nếu lúc đó bạn hành động khác đi thì có lẽ…”.
Bạn sẽ đem tất cả những điều bạn cho rằng đáng giá trong cuộc đời mình để đánh đổi, bạn đưa lên bàn cân so sánh và tự lý luận rằng “thà mất công việc cũng được, là mất tiền bạc cũng được..” thậm chí “thà chính bạn chịu thiệt cũng được”….miễn sao đau thương đó không xảy ra.
Bạn muốn trở lại quá khứ và xóa bỏ những sai lầm. Nhưng tất cả những ao ước đó chỉ là mộng tưởng hảo huyền. Chính sực bất lực khiến bạn khó chịu, nhưng nó dẫn bạn đến bước tiếp theo trong việc chấp nhận những gì đã xảy ra.
4.Trầm cảm
Đây là giai đoạn mà bạn phải “thích nghi” với sự thật nỗi đau. Bạn không còn “giá như” nữa vì bạn biết nó không có ý nghĩa gì. Bạn không còn dành nhiều thời gian đổ lỗi nữa vì bạn biết nó không biến đổi được thành điều bạn muốn. Giai đoạn này sẽ bắt đầu rẻ sang hai hướng. Nếu tiêu cực nó sẽ trở thành lòng thù hận, nếu tích cực nó sẽ giúp bạn đến với giai đoạn 5.
Trầm cảm đôi khi kéo dài rất lâu, có những lúc tính bằng năm đối với một số người. Nếu bạn không tìm thấy một niềm vui nào khác trong cuộc sống để thay thế, có thể bạn sẽ phải trầm cảm cả đời và sinh ra nhiều bệnh lý lâm sàng khác.
Một khi vượt qua được sự trầm cảm kéo dài, bạn sẽ đến được giai đoạn thứ 5, khi mà bạn đã đủ mạnh mẽ để chấp nhận và trực tiếp đối diện với sự thật nỗi đau.
5.Chấp nhận
Bạn bắt đầu nhìn nhận vấn đề theo một hướng mới. Có thể là bạn sẽ mạnh mẽ hơn. Giai đoạn này không có nghĩa bạn đã hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của nỗi đau, nhưng nó là dấu hiệu tích cực cho thấy bạn đang nỗ lực để hòa nhập lại với cuộc sống bình thường.
Dù rằng vết thương vẫn chưa lành hẳn nhưng đâu đó bên trong bạn đã le lói ánh sáng của niềm vui nhỏ nhoi rằng tương lai phía trước sẽ còn nhiều điều tốt đẹp và xứng đáng hơn đang dành cho bạn. Bạn bắt đầu tự lấy lại năng lượng tinh thần cho chính mình bằng cách sáng tạo hay làm một điều gì đó mới mẻ mà bạn chưa từng làm trước đây.
Nếu đến được giai đoạn này, thực sự chúc mừng bạn. Cuộc sống của bạn sẽ không ngừng đem đến những nỗi đau khác trong tương lai, nhưng trải nghiệm 5 bước bạn đã vượt qua sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian cho những khó khăn trước mắt. Và con người bạn sẽ kiên cường mạnh mẽ hơn ai hết.