Giải Ig Nobel là gì? Những điều thú vị về Ig Nobel có thể bạn chưa biết
Hôm bữa tui có đăng hình con tê giác bị treo ngược bốn chân. Và đó là tình trạng tốt nhất để vận chuyển một con tê giác mà không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của nó. Trước đó, tui có đăng về một chiếc bàn xoay ly tâm giúp các mẹ bầu sinh em bé. Và nó là ví dụ những “thành tựu” đã được giải Ig Nobel. Nên tui viết bài này, giới thiệu cho các ông biết Ig Nobel là gì? Và giới thiệu thêm những thông tin thú vị về Ig Nobel.
Giải Ig Nobel là gì?
Giải Ig Nobel là giải thưởng nhằm để tôn vinh những thành tựu khiến cho mọi người CƯỜI, và sau đó phải SUY NGHĨ. Ngay trong định nghĩa cũng đã đưa ra những tiêu chí cốt lõi cho Ig Nobel. Chữ Ig trong Ig Nobel là viết tắt của chữ ignoble (có nghĩa là hèn mọn).
Ví dụ: Năm nay (2021), người đoạt giải Ig Nobel về Kinh tế là Pavlo Blavatskyy. Ông này nghiên cứu về “Sự béo phì của các chính trị gia của một quốc gia có thể là một chỉ số tốt để cho thấy mức độ tham nhũng của quốc gia đó”. Quả thật, đọc cái tiêu đề là thấy nực cười. Nhưng các ông có thể đọc nghiên cứu rất bài bản ở đây, sẽ thấy nó vẫn rất logic và khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. [nguồn]
Mục tiêu của giải thưởng không chỉ là một show hài hước (nhưng chủ yếu vẫn là sự hài hước). Thực ra, đôi khi người quan sát phải đủ kiến thức mới cảm thấy nó hài hước. Mục tiêu của Ig Nobel là kích thích sự quan tâm, tò mò, khơi gợi thêm những vấn đề mở đối với khoa học nói chung.
Ig Nobel nghe có vẻ như dành cho những nhà khoa học không chuyên. Thực ra không hẳn, có những người vừa đoạt cả giải Nobel lẫn Ig Nobel.
Lịch sử hình thành của giải Ig Nobel
Marc Abrahams là đồng sáng lập và biên tập của tạp chí Annals of Improbable Research (tạm dịch là Biên niên sử những nghiên cứu không chắc là thực) đã sáng kiến ra giải thưởng này. Tạp chí Improbable Research được thành lập năm 1994. Bây giờ nó là một website với giao diện cũ kỹ nhưng vẫn cập nhật thông tin đều đặn. Các ông có thể truy cập tại đây.

Những thể loại tạp chí nhại khoa học (science parody magazine) như Improbable không phải là cái duy nhất. Chất liệu để tạo nên sự hài hước khiến thu hút người đọc là những kiến thức khoa học. Họ xuất bản không dày đặc lắm, hai tháng mới ra một số. Tui không rõ Việt Nam có dạng tạp chí này hay không?
Dĩ nhiên, có rất nhiều câu chuyện đăng trong tạp chí dạng này chẳng đi tới đâu. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những bài rất sáng giá. Ví dụ, năm 2003, nhà nghiên cứu kiêm nhà sản xuất phim tài liệu Nick T. Spark đã viết về bối cảnh và lịch sử của Định luật Murphy. Sau đó những bài viết này được edit lại và xuất bản với tựa “A History of Murphy’s Law”. [nguồn]
Một vài “nghiên cứu” đoạt giải Ig Nobel (do tui chọn trình bày)
Nếu các ông muốn một danh sách đầy đủ các giải Ig Nobel theo các năm, hãy truy cập https://www.improbable.com/. Ở đây, tui điểm qua một vài ý tưởng cực kỳ sáng tạo đã được giải và có thể các ông cũng đã từng nghe qua.
- Quy tắc năm giây: Đồ ăn rơi xuống đất nhưng nếu chúng nhanh chóng được nhặt lại trong vòng 5 giây thì có thể ăn mà không cần rửa lại. Jillian Clarke đã nhận giải Ig Nobel với nghiên cứu kỳ quặc này. Dĩ nhiên nó không hoàn toàn có sự đồng thuận của khoa học chính thống về khả năng áp dụng đại trà. Các ông có thể xem thêm thông tin ở đây.
- Năm 2000, Andrei Geim đã làm cho một con ếch sống có thể bay lên được bằng lực từ. Diễn đạt lại thế này: Liệu các ông có cách nào để khiến một con ếch bay lên bằng nam châm không =)). Vậy mà Andrei làm được. Nhưng từ thí nghiệm này, 10 năm sau tức năm 2010, Andrei lại nhận được giải Nobel Vật lý cho khám phá ra Graphen.
- Cực khoái có thể làm sạch mũi hay không? Cem Bulut đã đoạt Ig Nobel Y Tế với nghiên cứu này. Kết luận của nghiên cứu là “luồng hơi thở qua mũi cải thiện tương đương với sử dụng thuốc thông mũi trong 60 phút khi một người đạt cực khoái”. [xem thêm]
- Nếu các ông muốn xem thêm danh sách giải Ig Nobel qua các năm, có thể xem tại đây.
Tự nhiên đọc qua mấy cái danh sách nghiên cứu kỳ quặc này, tui nảy ra mấy ý tưởng. Kiểu như “mối liên hệ giữa số lượng sách một người đã đọc và tuổi thọ của người đó”. Hoặc kiểu như “vì sao con gái nhiều lông tay lại thường xinh đẹp”… Haha! Các ông thấy sao?
Ig Nobel trao giải thế nào?
Giá trị của giải Nobel thực thụ là sự tôn trọng của cả thế giới (và một số tiền “nhỏ” cỡ triệu đô). Thì Ig Nobel cũng có những giá trị riêng.

- Thông thường, cứ tháng 9 hằng năm, một buổi lễ trao giải có bán vé sẽ được tổ chức tại nhà hát Sanders của đại học Harvard. Buỗi trao giải này sẽ có hơn 1.100 khán giả theo dõi những người chiến thắng với nghiên cứu kỳ quặc của họ. Điều nực cười là, những người đạt Ig Nobel sẽ được trao giải bởi những người đạt giải Nobel chân chính. Chương trình cũng được phát trực tuyền.
- Những buổi trao giải này được tài trợ bởi Hiệp hội Sinh viên Vật lý Harvard-Radcliffe và Hiệp hội Khoa học Viễn tưởng Harvard-Radcliffe.
- Tuy nhiên, hai năm gần đây (2020-2021), vì đại dịch nên buổi lễ được tổ chức online và phát trên Youtube. Các công có thể xem tại đây. Rất là hài hước.
- Cái họ quan tâm không phải là tiền bạc hay danh tiếng gì cả. Mà sự hài hước và khiến người khác suy nghĩ. Nhưng điều đáng mong chờ ở những buổi lễ này là sự xuất hiện thật sự của những giáo sư đã đạt giải Nobel chân chính.
Trong video trên, những người được giải tự in và xếp giấy kỷ niệm chương Ig Nobel 2021 cho chính mình.
Có lẽ, nên có tạp chí kích thích khoa học mang tính hài hước như thế này ở Việt Nam
Cá nhân tui có đặt tạp chí Pi. Một tạp chí về toán học tui rất thích đọc. Tuy nhiên, nó không đủ sự hài hước để kích thích trí tò mò của công chúng. Nó dường như chỉ thích hợp với ai đã yêu toán. Tui nghĩ, nếu muốn lan tỏa một tinh thần khoa học cần rất nhiều nổ lực sáng tạo như Ig Nobel thế này.
- Ig Nobel cũng nhận không ít những chỉ trích là tầm thường và nhảm nhí. Nhưng cái đáng giá nhất là nó đem lại là khiến người ta quan sát cuộc sống xung quanh như một đứa trẻ. Và không thể phủ nhận điều đó đã dẫn đến những đột phá quan trọng.
Ok, thôi stop. Chúc các ông ngày cuối tuần vui vẻ!