Vòng eo càng lớn, tuổi thọ càng ngắn
Bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn một vài công thức tính toán đơn giản để lượng giá sức khỏe của mình (cụ thể về vấn đề liệu bạn có béo phì hay không), bên cạnh đó là một vài lời khuyên hữu ích để không phải trở thành nạn nhân của thứ “dịch bệnh” đặc thù của thời đại này: béo phì.
Có một câu ngạn ngữ Anh rất dễ thuộc:
Vòng eo càng lớn, tuổi thọ càng ngắn
Nói vậy không có nghĩa “vòng eo càng nhỏ thì sống càng thọ” :), vì sống thọ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhưng trong thời đại chúng ta, khi mà thực phẩm quá dễ dàng để có được, thì con người lại càng xem thường sức khỏe của mình.
Bác sĩ Hồng Chiêu Quang từng kể một câu chuyện có thật trong đời bác sĩ của ông như sau.
Ông từng mổ tử thi cho một thanh niên chết trẻ, chỉ mới 38 tuổi. Theo lẽ thường từ xưa, đây đáng lẽ vẫn còn là độ tuổi của sự mạnh mẽ và cường tráng. Nhưng thanh niên này nặng tới 99kg, nghiện thuốc là và thường xuyên rượu bia. Ông khá ngạc nhiên vì khi mổ lồng ngực ra lại không thấy trái tim. Hóa ra trái tim nằm trong một lớp mỡ dày đến 3cm, kèm theo đó là động mạch vành bị đóng mỡ đến 95%.
Làm sao biết bạn có bị béo phì hay không?
Tùy mỗi quốc gia mà sẽ có những thay đổi trong tiêu chuẩn. Tuy nhiên bạn cũng có thể sử dụng chuẩn quốc tế gọi là: chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body Mass Index). Cách tính chỉ số này rất đơn giản: hãy lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao cơ thể (m)
Giả sử bạn nặng 58kg, cao 1.7m. Như vậy, chỉ số BMI của bạn sẽ là 58 chia cho bình phương của 1.7, kết quả chừng 20.
Sau đó bạn lấy kết quả này so sánh với chuẩn sau:
- BMI của nữ từ 19-24, BMI của nam từ 20-25, như vậy là bình thường.
- BMI trên 25 là béo phì
- BMI từ 25-30 được coi là béo phì cấp độ 1
- BMI cứ tăng thêm 5 đơn vị là thêm một cấp độ béo phì
Bây giờ bạn thử tính chỉ số BMI của chính mình xem?
Béo phì hình quả táo và béo phì hình quả lê
Đây chỉ là một cách diễn đạt mang tính tượng hình, nhưng sẽ dễ nhớ hơn đối với tất cả mọi người. Béo phì hình trái táo là ám chỉ vùng bụng phình to ra, thường xuất hiện ở nam giới. Còn béo phì hình trái lê thì ám chỉ vùng đùi và mông có lớp mỡ tập trung, ở nữ giới thì thường xuất hiện cả hai dạng tao và lê
Béo phì trái táo còn gọi là béo nội tạng, kiểu béo phì này dễ dẫn đến các bệnh tim mạch, xơ cứng động mạnh, tai biến mạch máu não. Còn béo phì trái lê còn gọi là béo ngoại tại, dạng này thì ít mắc các bệnh về tim mạch hơn. Và bạn biết đó, các bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới.
Vấn đề không chỉ là vòng eo
Câu nói “vòng eo càng lớn, tuổi thọ càng ngắn” chỉ là một cách biểu đạt gây ấn tượng, chứ vấn đề không chỉ nằm ở vòng eo, nghĩa là không phải cứ giảm mỡ bụng là “sống thọ”.
“Bác sĩ tốt nhất là chính mình“, đó là câu nói nổi tiếng của Hippocrates – danh y Hy Lạp cổ xưa, nó có nghĩa là “bản năng của người bệnh cũng chính là bác sĩ của người bệnh”. Nhìn chung, cơ thể của chúng ta có khả năng tái sinh cực mạnh, chỉ cần chúng ta giữ chúng ở trạng thái tốt nhất. Người bạn có sẵn sức đề kháng, nó đóng vai trò thầy thuốc cho chính cơ thể.
Cũng theo lời khuyên của bác sĩ Hồng Chiêu Quang, chỉ cần “ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn, cai thuốc bớt rượu, tâm trí ổn định“, bạn sẽ giữ được cân bằng vừa độ, không đau đầu bởi tỉ lệ cholesterol.
Tham khảo các nguồn sau:
- Bác sĩ tốt nhất là chính mình – Hồng Chiêu Quang
- Body Fat Distribution – https://www.healthlinkbc.ca/health-topics/zm6365