10 bước để thành triệu phú chỉ trong (nhiều nhất) 5 năm
Tăng thu nhập, cải thiện lối sống và tận hưởng niềm vui.
Việc tình hình tài chính của bạn đang ra sao không quan trọng – dù bạn chỉ mới bắt đầu khởi nghiệp hay đã có thu nhập đáng kể. Hầu hết mọi người, bất kể thu nhập ít hay nhiều cũng sẽ tiêu xài chúng. Khi thu nhập của một người tăng lên thì chi tiêu của họ cũng vậy. Nhưng dường như rất ít người biết cách làm thế nào để không ngừng tăng thu nhập, cải thiện lối sống và tận hưởng niềm vui cùng một lúc. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- Làm sao để trở nên giàu có?
- Làm sao để khiến bản thân luôn tràn đầy tự tin và tận hưởng niềm vui?
- Làm sao để luôn cởi mở, sẵn sàng học hỏi, trưởng thành và đạt được thành công?
- Làm thế nào để phát triển các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp hay với bất cứ ai bạn muốn?
Nếu những điều này không làm bạn bận tâm thì bài viết này thực sự không dành cho bạn. Và đây là những gì bạn cần:
1. Xây dựng một tầm nhìn phong phú
“Khi của cải bắt đầu đến với chúng ta, chúng đến rất nhanh chóng, đến mức người ta tự hỏi chúng đã ở đâu trong suốt những năm tháng chúng ta khổ cực trước đó.”
Bước đầu để trở nên thành công về mặt tài chính là xây dựng một tầm nhìn đúng đắn phù hợp cho bản thân mình. Einstein nói rằng trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Arden cũng tin rằng sự sáng tạo quan trọng hơn kinh nghiệm. Bạn đã tưởng tượng được những gì cho tương lai của mình? Bạn có thấy cuộc sống của mình đầy những tiềm năng và cơ hội? Hay bạn chỉ thấy một cuộc sống tẻ nhạt bình thường?
Tạo ra được tầm nhìn là một quá trình lặp đi lặp lại. Bạn sẽ không thể chỉ làm một lần và sau đó không bao giờ nhìn lại nó. Bạn sẽ phải liên tục tạo và xây dựng tầm nhìn của bạn mỗi ngày.
Nhìn vào bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống mà bạn đang làm tốt, bạn sẽ thấy đó là vì bạn thấy điều gì đó vượt ra ngoài những gì bạn hiện có. Tương tự như vậy, hãy nhìn vào các lĩnh vực khác trong cuộc sống, bạn sẽ thấy rằng không có điều gì vượt quá những gì bạn hiện có cả. Hầu hết mọi người vẫn luôn sống và lặp lại quá khứ. Còn khi có một tầm nhìn cũng có nghĩa là bạn đang tập trung vào tương lai. Hành vi và lối sống của bạn sẽ ngay lập tức thay đổi khi bạn bắt đầu tưởng tượng ra một tương lai khác và cố gắng phấn đấu cho nó.
Để làm điều này, bạn phải giảm bớt nhu cầu về sự ổn định . Từ góc độ tâm lý học, mọi người thường muốn thể hiện cho người khác thấy mình là người nhất quán. Điều này khiến mọi người duy trì các đặc trưng về hành vi, môi trường và các mối quan hệ – những thứ mà cuối cùng sẽ không có lợi và không thể được thỏa mãn lâu dài. Bạn không cần thiết phải duy trì điều đó.
Bạn vẫn có thể ổn dù thực tế là bạn không hoàn hảo. Bạn có thể gây rắc rối, không sao. Bạn có thể tự tin với việc có những giá trị đặc trưng của riêng mình và những mục tiêu bạn muốn hoàn thành bất kể những người xung quanh nghĩ gì.
Có một tầm nhìn cho cuộc sống nghĩa là không còn quan tâm những gì người khác nghĩ về bạn, sẵn sàng để thực sự bắt đầu sống cuộc sống mà bạn muốn và sẽ không còn đi theo “dòng chảy” của đa số những người khác trong cuộc đời. Điều đó có nghĩa là cho dù bố mẹ, đồng nghiệp và môi trường xã hội của bạn có ra sao, bạn cũng vẫn sẽ tạo ra cuộc sống bạn muốn.
Tầm nhìn của bạn càng chi tiết, càng rõ ràng càng tốt. Bộ não của bạn thực sự yêu thích những con số và sự kiện, điều này hiển nhiên. Do đó, tầm nhìn của bạn nên tập trung vào các con số cụ thể và các sự kiện chính.Ví dụ:
- Tôi sẽ kiếm được 1.000.000 đô / năm vào ngày 1 tháng 1 năm 2022.
- Tôi sẽ nhận được một tấm séc trị giá hơn 100.000 đô vào tháng 10 năm 2020.
- Tôi sẽ có một kỳ nghỉ 6 tuần ở Thái Lan trong 6 tháng tới.
Hãy định lượng nó. Đưa ra một con số cụ thể cho nó. Và hãy phấn chấ bởi điều đó. Mục tiêu càng chi tiết sẽ càng đáng tin hơn đối với bạn.
Cũng không sao nếu bạn không biết chính xác những gì bạn muốn ngay thời điểm này. Có nhiều tiền hơn, có những trải nghiệm ý nghĩa và liên tục trưởng thành là các mục tiêu sẽ đưa bạn đi đúng hướng. Khi bạn bồi đắp tự tin qua những thành quả nhỏ liên tiếp theo thời gian, tầm nhìn và trí tưởng tượng của bạn sẽ dần mở rộng. Do đó, để tầm nhìn của bạn trở nên rõ ràng và phù hợp với các giá trị và những khát vọng chân chính của bạn, bạn sẽ cần bắt đầu xây dựng niềm tin vào bản thân.
Còn đây là bước tiếp theo.
2. Xây dựng “Chu kì 90 ngày” để đo tiến độ
Sau đây là 4 câu hỏi mà Dan Sullivan, người sáng lập Strategic Coach, buộc khách hàng của mình trả lời sau mỗi 90 ngày:
- “Thành tựu nào bạn đã đạt được? Nhìn lại 3 tháng vừa qua, đâu là điều khiến bạn tự hào nhất về những gì bạn đã đạt được?”
- “Có gì mới? Khi nhìn vào mọi thứ đang diễn ra, điều quan trọng nào đang có tiến triển khiến bạn tự tin nhất?”
- “Trưởng thành hơn với mọi thứ tốt hơn? Giờ đây nhìn về tương lai trong 3 tháng tới, những điều mới mẻ nào đang mang lại cho bạn cảm giác phấn khích lớn nhất?
- Trong 3 tháng tới, đâu là 5 “bước nhảy” mới mà bạn có thể đạt được và khiến chúng trở thành 90 ngày tuyệt vời bất kể điều gì xảy ra?
“Mục tiêu ngắn hạn có thể là công cụ phát triển hữu ích nếu chúng được cân bằng trong một lộ trình có tính xây dựng trong thời gian dài, không nên chỉ chăm chú vào thành quả cuối cùng.”
Mục tiêu ngắn hạn là cách bạn làm tăng tiến độ. Làm việc theo một quá trình là rất quan trọng để đảm bảo năng suất. Bởi vậy tập trung vào một vài cột mốc quan trọng mỗi 90 ngày là cách bạn xây dựng động lực cho chính mình. Cứ sau 90 ngày, khi nhìn lại 90 ngày trước đó, bạn muốn có một sự đánh giá quá trình học tập và tiến bộ của mình. Bạn muốn tạm thời ra khỏi môi trường thường ngày, nghỉ ngơi và hồi sức. Tim Ferriss gọi đây là “sự nghỉ hưu mini”.
Cứ sau 90 ngày, bạn muốn nghỉ vài ngày. Bạn muốn dừng lại để có thể suy nghĩ, hình dung, vạch ra chiến lược cho một cuộc chơi mới. Trong phiên hồi sức này, bạn sẽ muốn lấy nhật ký của mình và dành thời gian để suy ngẫm về 90 ngày trước đó.
- Những gì đã diễn ra tốt đẹp?
- Những thành tựu quan trọng?
- Những gì bạn đã học được?
- Điều làm bạn phấn khích nhất?
- Bạn cần tập trung vào điều gì?
Sau khi đưa ra những gì bạn đã làm và đã học được, bạn muốn làm gì trong 90 ngày tới? Những thành tựu nào sẽ tạo ra sự khác biệt lớn nhất đối với tầm nhìn và lý tưởng của bạn? Cứ sau 90 ngày, khi bạn xem lại sự tiến bộ của mình, bạn có thể tăng sự tự tin của mình, bởi vì sự tự tin đến từ việc xem bản thân đã thành công đến đâu. Rất ít người thực sự dành thời gian để suy nghĩ về những gì họ đã thực sự làm. Chúng ta thường rất giỏi trong việc nhìn vào những điều phải làm sắp tới nhưng lại chẳng nhìn về những gì chúng ta đã đạt được.
Rất có thể bạn thậm chí không nhớ những gì bạn đã ăn cho bữa trưa ba ngày trước. Rất có thể, bạn không nhận ra tất cả những điều tốt đẹp bạn đã làm trong 90 ngày qua. Tuy nhiên, bạn có thể tập luyện cho bộ não của mình chú ý, tập trung đến tiến trình bạn đang đạt được. Khi bạn bắt đầu thấy sự tiến bộ, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy phấn chấn hơn.
Những cảm giác này rất quan trọng. Cảm giác có tiến triển động và có động lực mang lại sự tự tin. Còn tự tin lại là nền tảng của trí tưởng tượng, hành động và sức mạnh. Bạn muốn tự tin hơn? Bắt đầu đặt các mục tiêu ngắn hạn (cứ sau 30-90 ngày), theo dõi tiến trình của bạn, đếm số lần đạt mục tiêu của bạn, nghỉ ngơi, đặt lại mục tiêu và bắt đầu lại. Khi bạn có một tầm nhìn lớn, bạn không cần phải tiến bộ LỚN từng ngày. Bạn chỉ cần thực hiện một hoặc hai bước về phía trước mỗi ngày. Sau đó, bạn theo dõi tiến trình đó và xem thành quả xuất hiện từ tổng hợp các bước nhỉ đó.
Cứ sau 90 ngày, theo dõi các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của bạn.
- Theo dõi tiền của bạn.
- Theo dõi sức khỏe của bạn.
- Theo dõi thời gian của bạn.
- Theo dõi tiến trình trong các mục tiêu bạn muốn đạt được.
3. Xây dựng thói quen hàng ngày để bản thân luôn trong trạng thái ổn định hay tốt nhất
“Hãy cứ xem như cảm giác những ước nguyện của bạn đã thành hiện thực.”
Neville Goddard
Được rồi theo như trên, bạn đã tạo ra một tầm nhìn lớn truyền cảm hứng cho bạn. Bạn cũng đã đặt ra các mục tiêu ngắn hạn trong 90 ngày để giúp bạn xây dựng sự tự tin và giúp bạn tiến bộ trên lộ trình đó. Bây giờ, bạn cần một thói quen hàng ngày để giữ cho mình trong lộ trình đó.
Nếu bạn có thể hòa mình vào trạng thái “dòng chảy” mỗi ngày và kiểm soát được nó , bạn sẽ cảm thấy thực sự tốt. Chính bạn sẽ có trách nhiệm tổ chức cuộc sống của mình để có thể hòa vào “dòng chảy” càng nhiều càng tốt. Trong tâm lý học tích cực, “trạng thái “dòng chảy”” là trạng thái tinh thần mà bạn hoàn toàn tập trung năng lượng, sử dụng tối ưu và tận hưởng hoàn toàn. Về bản chất, “dòng chảy” được đặc trưng bởi sự tập trung hoàn toàn trong những gì người ta làm, và dẫn đến mất ý thức về không gian và thời gian. Đó thực sự là một lối sống tuyệt vời.
- “dòng chảy” sẽ tạo ra hiệu suất cao.
- Hiệu suất cao sẽ tạo ra sự tự tin.
- Sự tự tin tạo ra trí tưởng tượng và hứng thú.
- Trí tưởng tượng và hứng thú sẽ gợi ra những suy nghĩ lớn hơn, khác biệt hơn về bản thân và cuộc sống của bạn.
Đó là chìa khóa cho lí do tại sao hầu hết mọi người hay bị lạc khỏi “dòng chảy”. Nó có thể bắt đầu ngay vào buổi sáng, mọi thứ được kích hoạt với quyết định đầu tiên trong ngày của bạn. Nhưng thay vì chủ động đặt mình vào trạng thái “dòng chảy”, hầu hết mọi người đều rơi vào trạng thái phản ứng vô thức.
Con người không phải là sản phẩm của thói quen, chúng ta là sản phẩm của môi trường (xem mục 4 dưới đây). Theo chuyên gia tâm lý và hành vi của Stanford, BJ Fogg, kế hoạch có mục đích có thể đánh bại ý chí nguyên thủy. Kế hoạch có mục đích chính là về cách bạn thiết lập mọi thứ. Hầu hết mọi người đã không tạo môi trường cho “dòng chảy”. Thay vào đó, hầu hết môi trường và cuộc sống của mọi người đã được thiết lập để phân tâm liên tục, điều đi ngược lại với tính chất của “dòng chảy”.
“Dòng chảy” cũng chỉ là một cái gì đó phải được tạo lập để tồn tại. Khi bạn phải quyết định sống theo “dòng chảy”, bạn phải cam kết với nó. Lý do “dòng chảy” rất phổ biến trong các môn thể thao khắc nghiệt là vì các môn thể thao đó đòi hỏi rất nhiều ràng buộc và sự tập trung do có nhiều rủi ro.
Nếu một tay đua xe máy mất tập trung trong khi cố gắng lấy lại cú nhảy 100 feet, họ có thể chết. Do đó, tình huống đòi hỏi “dòng chảy” phải phát huy giá trị.
“Dòng chảy” đến khi bạn không suy nghĩ quá nhiều về nó
“Dòng chảy” đến khi bạn để nó diễn ra.
Ví dụ, khi tôi viết một bài đăng trên blog, bài viết hay nhất của tôi là khi tôi ngừng suy nghĩ hoàn toàn. Tôi chỉ đơn giản để mọi thứ tuôn trào. Đó là cách tạo ra hiệu suất cao trong lao động. Bạn chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, sau đó bạn chỉ cần để cơ thể của bạn làm nốt phần còn lại.
Khi nói đến thói quen buổi sáng, mục đích chính là đưa bản thân vào trạng thái “dòng chảy” hoặc trạng thái tốt nhất. Có một số cách hữu ích để đưa mình vào “dòng chảy” như sau.
Đầu tiên, bạn cần thay đổi môi trường để thay đổi suy nghĩ của mình. Bắt đầu hình dung và tưởng tượng tương lai mong muốn của bạn. Khẳng định mạnh mẽ với chính mình rằng bạn sẽ đạt được tương lai đó. Florence Shinn từng nói, “Niềm tin của bạn sẽ biết rằng nó đã nhận được những gì và hành động tương ứng cho những điều đã nhận được đó”
Như vậy khi bạn đặt tâm trí của bạn vào “chế độ của tương lai” , bạn cam kết bản thân với tương lai đó, bạn sẽ là chính mình trong tương lai. Bạn hành động như chính bản thân trong tương lai sẽ hành động. Đây là lý do tại sao tính nhất quán cần phải giảm khỏi cuộc sống của bạn. Thay vì mãi nhất quán với người bạn đã từng, bạn cần nhất quán với người mà bạn sẽ trở thành. Nếu bạn sẽ trở thành triệu phú, bạn cần bắt đầu hành động từ bây giờ.
Nghiên cứu gần đây đã nghiên cứu bộ não của các diễn viên với máy MRI. Những gì họ phát hiện là, khi các diễn viên đóng phim, bộ não của họ cho thấy sự thay đổi đáng kể. Nói cách khác, diễn những vai khác nhau cũng thay đổi bộ não của bạn. Và đây thực sự là những gì bạn đang muốn làm trong thói quen mỗi buổi sáng của bạn. Thay vì kích hoạt bộ não của bản thân theo cách cố hữu trước đây, bạn cần kích hoạt bộ não của bản thân theo con người mà bạn mong muốn trở thành.
Vậy bạn muốn trở thành người như thế nào?
- Hãy tự tưởng tượng.
- Tự cảm nhận
- Hãy coi như đó là cảm giác những ước nguyện của bạn thành hiện thực.
- Khẳng định thực tế của bản thân.
- Biết rằng bạn có thể có những gì bạn muốn.
- Đưa ra cam kết cho bản thân.
- Đầu tư những gì bạn có vào đó.
- Và bắt đầu hành động phù hợp với thực tế, ngay bây giờ.
- Tận hưởng “dòng chảy” xuất phát, thực sự hiện diện và khiến bạn hòa vào.
4. Tạo môi trường phát triển cho sự rõ ràng, thời gian hồi sức và sự sáng tạo
Nhiều người nghĩ chúng ta là sinh vật của thói quen nhưng chúng ta thì không. Chúng ta là những sinh vật của môi trường. Để thực sự nâng cấp cuộc sống của bạn, bạn không thể chỉ đặt mục tiêu, xây dựng thói quen buổi sáng và bắt đầu hành động khác đi.
Bạn cần định hình lại môi trường của bạn. Bạn cần một môi trường phù hợp với tương lai bạn dự định tạo ra. Bạn cần một môi trường không chỉ đồng nhất với các giá trị và tầm nhìn của bạn mà còn thúc đẩy chúng. Hầu hết môi trường của mọi người giống như một dòng sông ào ạt, đi ngược chiều với nơi họ muốn đi. Phải mất rất nhiều công sức để đi ngược dòng. Thật là mệt mỏi. Vậy thay vào đó, bạn cần có muốn môi trường của bạn kéo bạn theo hướng bạn muốn đi?Bạn có muốn chủ động được bao quanh mình với những người truyền cảm hứng cho bạn. Có bao nhiêu mẫu người mà bạn thường xuyên gặp phải? Có bao nhiêu trong số đó thực sự có ích cho bạn?
Môi trường khác nhau sẽ có mục đích khác nhau. Bạn muốn môi trường riêng biệt để nghỉ ngơi và trẻ hóa? Tập trung và làm việc? Để suy nghĩ rõ ràng? Và để thư giãn, vui vẻ?
Càng để ý, bạn sẽ càng nhận ra rằng bạn và môi trường của bạn là hai phần của cùng một tổng thể. Bạn không thể ngắt kết nối bản thân khỏi môi trường. Do đó, bạn cần lưu tâm và chú ý về môi trường của bạn. Điều này có nghĩa là bạn không làm ô nhiễm “môi trường hồi phục” với những thứ như điện thoại di động. Nếu bạn đang đi đến bãi biển để thư giãn, đừng phá hỏng cơ hội tuyệt vời đó bằng cách mang theo điện thoại của mình. Khi một phần thay đổi, toàn bộ hệ thống cũng sẽ thay đổi. Đừng làm hỏng cả thùng táo với một quả táo hư.
5. Tập trung vào kết quả thay vì thói quen hay quá trình
“Trong những cuộc trò chuyện lịch sự, hầu hết chúng ta sẽ nói rằng chúng ta ngưỡng mộ những người thành công vì sự chăm chỉ, thói quen tích cực và các nguyên tắc bền vững. Điều đó không thực sự đúng. Sẽ không mất nhiều công sức để phát hiện ra sự mâu thuẫn lớn giữa những gì hầu hết chúng ta nói chúng ta tôn trọng và hầu hết các idols của thời đại chúng ta thực sự hành xử như thế nào. Hãy nhớ rằng điều duy nhất mọi người thực sự quan tâm là điểm số trên bảng. Mọi thứ khác đều là cường điệu.”
Nghe thật hài hước. Ngày nay, bạn thường nghe mọi người nói mục tiêu và kết quả không quan trọng. Điều này thật vớ vẩn. Đó cũng là một lời nói dối.
Đó không phải là về thói quen hay quá trình. Đó là về kết quả.
Lý do chúng tôi ngưỡng mộ một số người là vì kết quả họ đạt được. Có vô số người khác có thói quen tốt giúp truyền cảm hứng, nhưng không thể tạo ra kết quả ấn tượng như vậy. Tim Ferriss, trong cuốn sách của mình, “The 4-hour Body”, đã định nghĩa cái mà anh ta gọi là “mức khả thi tối thiểu”. Về cơ bản, đây là lượng nỗ lực tối thiểu để tạo ra kết quả mong muốn. 212 độ F là nhiệt độ cần thiết để luộc trứng. Những gì đi quá giới hạn đó đều là lãng phí nỗ lực.
Vậy bạn mong muốn kết quả như thế nào? Và cách hiệu quả nhất để có được kết quả đó là gì? Thay vì ám ảnh về các thói quen và quy trình, bạn cần xác định một kết quả thực sự rõ ràng và tìm hiểu làm thế nào để đạt được nó.
Đó là do mục tiêu quyết định quá trình chứ không phải gì khác. Hơn nữa, kết quả cũng là bằng chứng xác định quá trình. Nếu bạn không nhận được kết quả mong muốn, thì bạn cần điều chỉnh quy trình của mình. Đừng điên rồ làm đi làm lại những điều tương tự và mong đợi những kết quả khác nhau.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn sống trong một nền văn hóa bị ám ảnh bởi thói quen, những lối mòn và quy trình. Không cái nào trong số những điều này tự làm cho chúng có nghĩa cả. Chúng chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh của một mục tiêu cụ thể.
Quá trình của tôi sẽ không giống quá trình của bạn, vì mục tiêu của tôi không giống với mục tiêu của bạn. Mục tiêu của tôi là những gì quyết định quá trình của tôi.
Thói quen của tôi sẽ không giống thói quen của bạn, vì mục tiêu của tôi không giống với mục tiêu của bạn. Mục tiêu của tôi là những gì quyết định thói quen của tôi.
Khi bạn nghiêm túc về việc đạt được kết quả lớn, bạn sẽ ngừng ám ảnh về quá trình. Mục tiêu lớn và táo bạo đòi hỏi sự linh hoạt. Nó đòi hỏi sự can đảm để thử những thứ có thể không hiệu quả. Nó cũng yêu cầu bạn phải vượt trên và vượt xa mọi thứ bạn từng làm.
Trong thực tế, mục tiêu của bạn là quá trình. Bạn đặt mục tiêu và mục tiêu đó chi phối cuộc sống của bạn. Khi bạn đạt được nó, bạn sẽ đặt mục tiêu mới và tổ chức lại cuộc sống của mình.
Mục tiêu là phương tiện, không phải là kết thúc. Chúng là phương tiện để tiến bộ, để đi lên. Khi bạn đạt được mục tiêu, bạn lấy những gì bạn đã học để tiếp tục mở rộng.6. Xác định mentors/partners lý tưởng
“Mọi người đều muốn trở thành Yoda của ai đó.”
Aminah Mae Safi
(Yoda: Đại sư phụ Jedi Yoda là một trong những bậc thầy Jedi lâu đời nhất, cứng cỏi và mạnh mẽ nhất trong vũ trụ Star Wars.)
Đừng chỉ tìm một công việc. Thay vào đó, hãy tạo một công việc.
Bằng cách nào?
Bạn tạo ra một công việc bằng cách trao cơ hội cho những người lý tưởng mà bạn muốn học hỏi và làm việc cùng.
Đây là cách giúp bạn có thể làm việc gần hơn với các hình mẫu lý tưởng của bạn.
Những người giàu có làm việc để học hỏi. Người nghèo làm việc vì tiền.Vậy thì, bạn ngưỡng mộ ai?
Ai là tấm gương cho bạn?
Ai đang làm công việc bạn vô cùng yêu thích?
Ai có một cuộc sống mà bạn hằng mơ ước?
Làm thế nào bạn có thể giúp họ đạt được mục tiêu của họ?
Làm thế nào bạn có thể sử dụng các kỹ năng và khả năng của mình để tăng cường và cải thiện những gì họ đang làm?
Thực sự rất dễ dàng để gần gũi với bất cứ ai. Tôi đã quan sát điều này rất nhiều lần. Tôi có thể phát triển những mối quan hệ rất chặt chẽ với bất cứ ai tôi muốn.
Mọi thứ bắt đầu với một tầm nhìn.
Tôi đã viết ra rằng tôi sẽ học hỏi và làm việc với một số người.
Tôi đã nghiên cứu công việc của họ.
Tôi đã phát triển các kỹ năng sẽ hữu ích cho họ.
Tôi hòa mình vào môi trường của họ.
Tôi đã cung mang những kỹ năng của mình tới cho họ như thể một cơ hội, một trong số đó sẽ giúp họ thành công hơn nữa.
Tôi đã dành thời gian và nỗ lực của mình để giúp đỡ họ và học hỏi rất nhiều trong quá trình này.
Tôi trở thành một phần của vòng tròn mối quan hệ bên trong.
Nằm trong mối quan hệ đó, giờ đây tôi có được kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội giá trị.
Đây là cái bạn muốn, phải không? Bạn hãy phát triển những mối quan hệ quan hệ đối tác hay những người bạn ngưỡng mộ, hãy dành những suy nghĩ và nỗ lực của bạn để giúp đỡ họ. Bằng cách giúp đỡ họ, bạn sẽ có một vị trí khác trong lòng họ. Ở vị trí mới đặc biệt này, kiếm tiền trở nên không có gì khó cả.
7. Trở thành một người biết lắng nghe và quan sát
“Nghe đơn giản là một hành động. Nó đòi hỏi chúng ta phải thể hiện được, và điều đó cần thực hành, nhưng chúng ta không phải làm gì khác. Chúng ta không phải đưa ra lời khuyên, hoặc huấn luyện viên, hoặc bất kì từ ngữ khôn ngoan nào. Chúng ta chỉ cần sẵn sàng ngồi đó và lắng nghe.”
Wheat Wheatley
“Trước tiên hãy tìm hiểu, sau đó mới được thấu hiểu.”
Stephen Covey
Thật thú vị, khi giúp đỡ những người dày kinh nghiệm và những hình mẫu lí tưởng của mình, tôi đã thấy hết lần này đến lần khác mọi người đánh giá quá cao sự khôn ngoan của họ.
Gần đây, tôi đã có một cuộc gọi với một trong những tiền bối của tôi. Có ba chúng tôi trong cuộc gọi. Người đó, tôi và một người khác. Tất cả chúng tôi đã thảo luận về các mục tiêu và kế hoạch của người tiền bối của tôi để mở rộng kinh doanh và đơn giản hóa cuộc sống của họ.
Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 90 phút.
60 trong số những phút đó là người kia đưa ra những ý tưởng mông lung mà không có hoàn cảnh rõ ràng. Họ đã cố gắng quá mức để trở nên hữu ích hoặc thông minh.
Nhưng nó đâu có hữu ích. Thay vào đó, tốt hơn là đặt câu hỏi một cách cẩn thận. Họ thực sự đang cố gắng để đạt được điều gì? Những thách thức hiện tại là gì? Những gì chúng ta cảm thấy cần phải thay đổi? Tại sao chúng ta muốn thực hiện những thay đổi này?
Một khi bạn hiểu tình hình, lời nói của bạn sẽ trở nên hữu ích. Khi nói đến xây dựng mối quan hệ và giao tiếp, đôi khi việc dứt khoát là rất quan trọng. Trong những trường hợp này, bạn muốn lời nói của mình có liên quan và đúng trọng tâm, bạn cần làm rõ ràng rằng bạn ở đó vì họ chứ không phải để chứng minh cho cái tôi của chính bạn.
Nếu đó thực sự là về họ, thì hãy làm cho họ biết. Đặt câu hỏi trước khi đưa ra ý tưởng. Giúp họ có được sự rõ ràng thông qua việc nói chuyện của chính họ. Hãy chắc chắn rằng họ hiểu những gì đang thực sự diễn ra trong đầu bạn bằng cách giúp họ làm rõ chúng. Sau đó, khi bạn cảm thấy bạn có thể đưa ra cái nhìn sâu sắc, hãy làm điều đó trong mối liên hệ với những gì họ đã nói.
Sau đó họ sẽ biết rằng bạn đang thực sự lắng nghe họ và bạn đang thực sự cố gắng giúp đỡ họ. Họ sẽ yêu và tôn trọng bạn, bởi vì không giống như hầu hết mọi người, bạn là người chân thành. Bạn là người biết lắng nghe.
8. Tập trung vào “ai” thay vì “làm thế nào”
Hãy dừng lại việc hỏi “làm thế nào” và bắt đầu hỏi “ai.”
Một phần của việc trở thành triệu phú, hoặc thành công về mặt tài chính là phát triển vượt xa những gì Dan Sullivan gọi là “chủ nghĩa cá nhân cực đoan”.
Khi những người tham vọng đặt ra mục tiêu, họ thường tự hỏi mình “Làm thế nào để tôi thực hiện điều này?”
Khi bạn mới bắt đầu, đây là một câu hỏi hay. Nhưng khi tầm nhìn của bạn mở rộng và thời gian của bạn trở nên có giá trị hơn, bạn bắt đầu hỏi một câu hỏi khác.
Ai có thể làm điều này cho tôi hoặc giúp tôi làm điều này?
Thay vì cố gắng làm theo cách của bản thân, bạn tìm người hỗ trợ như thế nào?
Thuê người hoặc thậm chí sử dụng các dịch vụ như Upwork rất dễ dàng trong thời đại ngày nay. Có vô vàn người trên khắp thế giới với thời gian và kỹ năng luôn sẵn sàng cho bạn, hãy sử dụng những người này.
Bạn sẽ có được những người giỏi nhất giúp bạn bất cứ điều gì bạn đang cố gắng hoàn thành bằng cách truyền tải mạnh mẽ và rõ ràng những gì bạn cần và lí do.
Bạn đang cố gắng để thực hiện điều gì?
Tại sao nó quan trọng như vậy?
Đây là cách bạn khiến mọi người hào hứng và cam kết với bạn. Simon Sinek, một chuyên gia về văn hóa lao động, giải thích rằng mọi người cần nhiều từ công việc hơn chỉ đơn giản là một mức lương. Tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy mình là một phần của một điều gì đó quan trọng, có ý nghĩa và được công nhận.
Bạn cung cấp động lực cho mọi người thông qua những gì bạn cần họ làm và tại sao. Bạn có thể không thấy mình là một doanh nhân. Nhưng nếu muốn bắt đầu kiếm nhiều tiền hơn, bạn sẽ cần phải ngừng làm mọi thứ một mình.
Trở thành triệu phú không phải chỉ cần một người mà làm được.
Bạn cần bắt đầu xây dựng một đội cho mình. Và giống như nhiều thứ khác, bạn sẽ làm điều đó trước khi bạn cảm thấy sẵn sàng. Bởi vì trong thực tế, bạn không bao giờ sẵn sàng trước khi bạn bắt đầu làm điều gì cả. Bạn không bao giờ chuẩn bị đủ tốt để làm bất cứ điều gì. Đó luôn luôn là bước nhảy vọt và sau đó quá trình làm việc sẽ đáp ứng đủ điều kiện cho bạn.
9. Liên tục bổ sung giá trị/định nghĩa của bạn về thành công
“Nếu bạn không [khác với] bạn đã từng vào 12 tháng trước tức là bạn học chưa đủ.”
Alain De Botton
Trải nghiệm khác nhau có thể thay đổi cuộc sống của bạn. Tương tự, các mối quan hệ biến đổi có thể thay đổi cuộc sống của bạn.
Bạn muốn được trải nghiệm thường xuyên và hòa nhập với những người có thể giúp cải thiện cách tiếp cận và quan điểm sống hiện tại của bạn. Ngay bây giờ, bạn nhìn thế giới theo một cách cụ thể dựa trên môi trường, mục tiêu của bạn và những gì bạn đã có điều kiện để tập trung vào.
Bạn chỉ có thể thấy những gì có liên quan và có ý nghĩa với bạn. Các nhà tâm lý học gọi đây là sự chú ý có chọn lọc. Nhưng những gì bạn tập trung vào cũng còn mở rộng nữa.
Ngay bây giờ, những gì bạn tập trung vào có thể khác với những gì bạn đang tập trung vào so với hai đến ba năm trước. Khi bạn còn trẻ, bạn tập trung vào những gì bạn bè nghĩ về bạn. Khi bạn già đi, sự tập trung của bạn thay đổi.
Trải nghiệm mang tính quyết định là một loại trải nghiệm nhất định mang lại điều gì đó đang từ không nằm trong trọng tâm đến vào đúng trọng tâm. Khi những trải nghiệm này làm thay đổi sự tập trung và sự chú ý của bạn, bạn bắt đầu nhìn thế giới khác đi.
Bạn sẽ muốn tập trung sự chú ý của bạn vào những điều có ý nghĩa và có giá trị với bạn.
Bao nhiêu thời gian và sự chú ý của bạn là vào những thứ không thực sự quan trọng? Bao nhiêu năng lượng bạn đã dùng vào những thứ không phục vụ bạn? Những gì bạn tập trung vào có xứng đáng với thời gian của bạn?
Gần đây tôi đã gặp một người giúp tôi tập trung trực tiếp hơn vào mối quan hệ của tôi với những đứa con của mình. Anh ấy kể cho tôi một câu chuyện thực sự thay đổi quan điểm của tôi. Tôi đã thực sự lắng nghe và tiếp thu những gì anh ấy nói.
Câu chuyện anh kể cho tôi nghe tôi đã nghe trước đây, nhiêu đó không đủ mạnh để chuyển sự chú ý của tôi. Nhưng câu chuyện của anh ấy và toàn bộ trải nghiệm thực sự có ảnh hưởng với tôi, đủ để nó thay đổi giá trị và mục tiêu của tôi.
Có những điều bạn đã nghe trước đó, vào tai nọ ra tai kia. Đó là những điều bạn biết nhưng không làm. Stephen Covey cho biết, những người biết và không làm thì thực sự không biết.
Bạn biết điều gì đó nhưng không có nghĩa là bạn chú ý đến nó. Trở nên kết nối cảm xúc với một cái gì đó là cách bạn bắt đầu chú ý đến nó nhiều hơn. Khi bạn tham gia vào một cái gì đó, và bắt đầu xác định với nó, nó trở thành một phần lớn hơn trong cuộc sống của bạn.
Ngay bây giờ, nhìn vào sức khỏe của bạn. Bạn chú ý đến nó bao nhiêu? Bạn đã nghe một triệu lần rằng sức khỏe của bạn là quan trọng. Bạn biết, nhưng bạn có chú ý? Hoặc, là sự chú ý của bạn cứ đặt vào những thứ khác?
Sự chú ý của bạn có thể được đo lường bằng những gì mang tính kích động trong môi trường của bạn. Do đó, những người nghiện rượu được luôn gắn nhiều thứ trong môi trường của họ với những suy nghĩ về rượu.
Điều gì kích thích bạn?
Đó là những gì bạn tập trung vào. Đó là những gì bạn xác định với. Đó là những gì có ý nghĩa với bạn. Câu chuyện nằm ở đó.
Bạn có thể điều chỉnh trọng tâm của mình để môi trường bên ngoài sẽ chỉ kích thích những gì bạn muốn thấy. Tương tự như sự chú ý, có những thứ bạn biết là có giá trị, nhưng cá nhân bạn không coi trọng.
Ví dụ, bạn có thể tin rằng sức khỏe tốt là thứ đáng giá, nhưng hành vi của bạn thể hiện những gì bạn thực sự coi trọng. Những gì bạn chú ý là những gì bạn coi trọng.
Vì vậy, bạn muốn có những trải nghiệm thay đổi những gì có thể giá trị thành những gì thực sự giá trị. Bạn muốn thực sự coi trọng những thứ sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của bạn. Bạn muốn ngừng định giá những thứ đang phá hoại thành công của bạn.
Bạn muốn đặt mục tiêu xung quanh các giá trị bạn mong muốn có. Bạn muốn tạo các thói quen và một môi trường đưa các giá trị đó lên hàng đầu trong sự chú ý của bạn. Những gì bạn tiếp nhận định hình thế giới quan của bạn. Sau đó, bạn muốn sống với những giá trị đó hàng ngày. Sau đó, bạn sẽ muốn thường xuyên có thêm kinh nghiệm, mở rộng và điều chỉnh các giá trị đó.
Nếu định nghĩa của bạn về sự thành công của bạn thì đã thay đổi trong 12 tháng qua, thì bạn đã học được rất nhiều. Nếu định nghĩa về thành công của bạn không thay đổi, thì có lẽ bạn đã không có những trải nghiệm thực sự giá trị.10. Đừng chờ đợi quá lâu khi bạn biết đã đến lúc thay đổi
“Những gì bạn có ở đây sẽ không đưa bạn đến đó.”
Tiến sĩ Marshall Goldsmith
“Chỉ những kẻ điên rồ mới làm điều tương tự lặp đi lặp lại và mong đợi những kết quả khác nhau.”
Albert Einstein
“Cách để tận hưởng cuộc sống tốt nhất là kết thúc một mục tiêu và bắt đầu ngay vào mục tiêu tiếp theo. Đừng nán lại quá lâu tại bàn của thành công, cách duy nhất để thưởng thức bữa ăn khác là để bị đói.”
Jim Rohn
Mục tiêu là phương tiện, không phải kết thúc cuối cùng. Khi bạn đã đạt được điều gì đó lớn lao, đừng bị mắc kẹt ở đó chỉ vì nó từng hiệu quả trước đây.
Tất cả mọi thứ bạn đã làm đã đưa bạn đến vị trí này.
Vậy cuộc phiêu lưu lớn tiếp theo là gì?
Thách thức nào đang chờ đợi?
Trí tưởng tượng của bạn truyền cảm hứng gì?
Ngọn núi lớn tiếp theo nào cần vượt qua?
Một trong những vấn đề cơ bản với thành công là nó sẽ trở thành một cái bẫy. Những người đã thành công lớn bị mắc kẹt trong quá khứ của họ. Họ tiếp tục tự giải thích dựa trên những gì họ đã làm, hơn là những gì họ đang làm.
Elon Musk là một ngoại lệ điển hình. Bạn không bao giờ nghe Elon Musk nói về những ngày huy hoàng thời Paypal (ví điện tử) bùng nổ . Thay vào đó, bạn nghe ông ấy nói về những vấn đề ông ấy đang giải quyết và những mục tiêu mà ông ấy đang theo đuổi.
Ông không bị mắc kẹt trong quá khứ, mà thay vào đó sử dụng tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ của mình để chinh phục những kết quả và mục tiêu, thách thức lớn hơn.
Ông ấy luôn tiến lên, luôn thay đổi, phấn đấu. Đây là một cách tiếp cận rất lành mạnh với cuộc sống.
Phần kết luận
Thật đáng ngạc nhiên khi mọi thứ thực sự đơn giản để thành công về mặt tài chính.
Không hề khó.
Bạn chỉ cần biết những gì bạn muốn và sau đó trở thành người có được nó.
Bạn có thể trở thành triệu phú.
Nó có thể mất năm năm. Nhưng năm năm tập trung chú ý vào một cái gì đó có thể đưa bạn đi một chặng đường rất dài.
Mức khả thi tối thiểu cho kết quả bạn muốn là gì?
Trở thành triệu phú sẽ đòi hỏi bạn phải thay đổi. Nhưng như Albert Einstein đã nói, sự đo lường của trí thông minh là khả năng thay đổi. Chỉ dẫn của Jim Rohn đã nói: “ Bạn trở thành triệu phú không phải vì bạn có tiền triệu đô, mà là vì cách bạn sẽ làm để đạt được điều đó. ”
Và thực tế là bạn hiện đang cố định và tập trung vào một cái gì đó. Đó là sự thật. Nếu bạn muốn hiểu bạn là ai, tất cả những gì bạn cần làm là khám phá sự tập trung và sự chú ý hiện tại của bạn đang ở đâu.
Một phần cơ bản của sự tiến hóa có ý thức là học cách kiểm soát và định hướng sự chú ý của bạn – để bạn có thể điều khiển nó vào những gì bạn muốn. Cơ bản điều đó nghĩa là cập nhật môi trường và giá trị của bạn, vì những điều này tập trung sự chú ý của bạn.
Hiện tại bạn đang tập trung vào điều gì?
Điều gì hiện đang có ý nghĩa với bạn?
Điều gì có thể có ý nghĩa với bạn?
Bạn có thể coi trọng điều gì?
Bạn có thể là ai?
Tác giả: Benjamin Hardy, PhD do Quỳnh Chi dịch
Bài viết rất hay, cám ơn dịch giả.