10 sự thật bất ngờ về nỗi nhớ của con người
Nỗi nhớ là một niềm khao khát hoặc cảm xúc mạnh mẽ hướng về quá khứ. Dù đó có là một mảnh nhỏ ký ức tuổi thơ, một giai điệu bài hát hay chỉ một mùi hương nào đó, nỗi nhớ vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không thực sự hiểu rõ về nó. Tại sao bạn lại cảm thấy nhớ ai đó? Đó chỉ là một cảm giác vật lý hay tất cả là do chúng ta tự tưởng tượng? Nỗi nhớ bắt đầu khi nào? Bài viết này sẽ trả lời tất cả những câu hỏi đó và thậm chí còn hơn thế nữa.
10. Nỗi nhớ không chỉ là ký ức
Hầu hết mọi người sẽ coi nỗi nhớ là sự kết nối những ký ức tốt đẹp trong quá khứ. Tuy nhiên, rõ ràng là nỗi nhớ chỉ liên quan một chút đến ký ức. Cảm giác nhớ thực sự liên quan đến trạng thái cảm xúc, không phải ký ức.
Tâm trí của chúng ta kết nối những cảm xúc khác nhau với khoảng thời gian và địa điểm khác nhau trong quá khứ và khiến chúng ta nhớ về những trải nghiệm đó. Ví dụ như việc người ta có thể nhớ rằng đã chơi ở công viên khi còn nhỏ. Mặc dù một đứa trẻ có thể cảm thấy nhiều cảm xúc tiêu cực trong chuyến đi đến công viên, nhưng tâm trí của người đó khi nhớ lại sẽ ngăn chặn điều đó, khiến trải nghiệm ấy chỉ còn lại là một ký ức hạnh phúc.
Bản thân những suy nghĩ là cơ sở mà tâm trí có thể sử dụng để liên kết với cảm xúc. Nhưng tâm trí không phải là một nguồn đáng tin cậy. Nó thay đổi ký ức của chúng ta theo cách khiến chúng ta cảm thấy rằng hiện tại không bao giờ tốt như quá khứ. Sự kết nối cảm xúc này với ký ức là điều làm cho nỗi nhớ khác với ký ức thông thường. [tham khảo]
9. Nỗi nhớ từng bị coi là một căn bệnh
Mặc dù nỗi nhớ là một cảm giác khá phổ biến, nhưng trong lịch sử nó từng bị coi là một thứ bệnh. Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 1688 bởi bác sĩ người Thụy Sĩ – ông Julian Hofer. Trong một báo cáo y khoa, ông đã viết rằng nỗi nhớ là một căn bệnh chết người không có thuốc chữa.
Trước đó, nỗi nhớ đã luôn gắn liền và ảnh hưởng đến đời sống của những người lính Thụy Sĩ. Thực tế, có một bài hát đặc biệt của Thụy Sĩ tên là “Khue-Reyen” đã gây ra hiệu ứng tâm lí nhớ nhung mạnh mẽ đến mức người chơi bài hát này sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. [dẫn nguồn]
Sau báo cáo của bác sĩ Hofer, có nhiều ý tưởng về cách chữa trị nỗi nhớ như dùng đỉa, tẩy dạ dày và các phương pháp điều trị kinh khủng khác đã được đưa vào sử dụng. Sau Nội chiến, bác sĩ quân đội Hoa Kỳ Theodore Calhoun thậm chí còn đề nghị mang việc bắt nạt ra như một giải pháp chữa trị nỗi nhớ. Ông cho rằng những người lính cứ đắm chìm trong nỗi nhớ nhung là yếu đuối và việc bị bắt nạt sẽ khiến họ mạnh mẽ hơn. Và có vẻ những cách chữa trị kỳ quái này chẳng mang lại kết quả khả quan cho lắm.
8. Nỗi nhớ có lợi cho sức khỏe
Theo thời gian, quan điểm về nỗi nhớ dần được cải thiện. Giờ đây nó còn được cho là có nhiều tác động tinh thần tích cực. Khi các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về nỗi nhớ, những lợi ích cho sức khỏe cũng trở nên rõ ràng hơn. Giáo sư tâm lý học Kstalline Batcho đã phát hiện ra rằng cảm giác nhớ có thể thúc đẩy sự tích cực và sáng tạo . Cảm giác êm dịu mà nỗi nhớ mang lại cũng có thể làm giảm căng thẳng. Batcho nói, “Cả về mặt cảm xúc lẫn nhận thức, cảm giác hoài niệm có thể giúp bạn theo dõi được những gì vẫn đang ổn định, đem lại tính liên tục hình thành trong bạn.” Sự hoài niệm thậm chí có thể giúp người trầm cảm bằng hoạt động nhớ lại của ký ức, có thể giúp ngăn ngừa cảm giác cô đơn và lo lắng. Hoài niệm cũng được cho là giúp tăng cường các kỹ năng xã hội và các mối quan hệ cá nhân. [tham khảo]
7. Nỗi nhớ tác động đến việc đưa ra quyết định
Mặc dù nỗi nhớ có vẻ đơn thuần chỉ là một cảm giác kỳ lạ làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng, nhưng thực sự lại ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình đưa ra quyết định. Khi nghĩ về những ký ức hạnh phúc trong quá khứ, mọi người muốn tái tạo những ký ức đó ở hiện tại.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ra một số vấn đề. Vì nỗi nhớ là một phiên bản được tô vẽ của quá khứ, bất kỳ điều tiêu cực nào về khoảng thời gian đó đều bị gạt bỏ và hình thành cảm giác khao khát mạnh mẽ. Điều này dẫn đến việc mọi người lặp lại thói quen tốt vì chúng mang lại những cảm giác tích cực. Chẳng hạn, nỗi nhớ thường khiến người ta muốn làm tình nguyện vì nó mang lại cho chúng ta cảm giác hạnh phúc và những ký ức sẽ khiến chúng ta muốn quay trở lại.
Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến những thói quen xấu. Đây là lý do tại sao nhiều đứa trẻ lớn lên với quá khứ bị cha mẹ ngược đãi sẽ kết hôn với người bạn đời có thói ngược đãi. Mặc dù nhận thức được rằng đây là những điều không tốt, con người ta trong tiềm thức vẫn có xu hướng ủng hộ những điều nhắc nhở chúng ta về quá khứ, cho dù đó là tốt hay xấu. [tham khảo]
6. Mùi hương cũng là một yếu tố quan trọng
Thật thú vị là nỗi nhớ có thể được kích hoạt bởi nhiều thứ hơn những gì chúng ta tưởng, chẳng hạn như nghe một bài hát cũ hoặc nhìn thấy một nơi gợi nhớ về thời thơ ấu. Trong thực tế, mùi là yếu tố quan trọng hơn rất nhiều yếu tố khác đối với sự hình thành nỗi nhớ .
Việc xem xét liên hệ giữa mùi và cảm xúc bắt đầu vào đầu những năm 1900 bởi nhà tâm thần học nổi tiếng Sigmund Freud. Mũi kết nối với thùy khứu giác – một phần của não đóng vai trò gây ra cảm xúc. Nhờ đó mùi có thể tạo ra tác động mạnh mẽ đến cảm xúc hơn bất kỳ tri giác nào khác. Hiện tượng này còn được gọi là khơi gợi khứu giác và cũng là lý do tại sao các tiệm bánh thường để mùi hương của sản phẩm lan tỏa khắp cửa hàng. Ví dụ, mùi bánh quy mới nướng thường sẽ kích hoạt cảm giác hoài cổ mạnh mẽ. Hiển nhiên là điều này sẽ khiến khách hàng có xu hướng mua cookie hơn vì họ cảm thấy gắn bó với chúng. [tham khảo]
5. Nỗi nhớ ảnh hưởng đến các thế hệ khác nhau theo những cách khác nhau
Năm 1991, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm với những người tham gia được chọn ngẫu nhiên trong trung tâm mua sắm Water Tower Place ở Chicago. Mục tiêu là để xác định cách mọi người ở các độ tuổi khác nhau bị ảnh hưởng bởi nỗi nhớ như thế nào. Trong thí nghiệm, tổng cộng 989 người đã được hỏi về những mùi hương gợi nhớ về thời thơ ấu của họ. Kết quả chỉ ra rằng gần 87% các đối tượng sinh năm 1930 hoặc sau đó có dấu hiệu “gợi lại khứu giác”, trong khi chỉ có 61% những người sinh trước năm 1930 có kết quả tương tự. Điều này ngụ ý rằng những người trẻ tuổi có xu hướng có cảm giác hoài cổ do mùi hương nhiều hơn những người lớn tuổi.
Điều này rất có ý nghĩa bởi vì khứu giác của một người thường xấu đi theo tuổi tác. Thú vị hơn là sự khác biệt giữa câu trả lời của người già và người trẻ. Các đối tượng sinh trước năm 1930 thường nói rằng các mùi như gỗ thông, sồi và đồng cỏ dẫn đến cảm giác hoài cổ. Mặt khác, những người sinh năm 1930 trở về sau nói rằng những thứ như nhựa, nhiên liệu máy bay là các mùi hương gây ra cảm giác cho họ. [tham khảo]
Những kết quả này cho thấy người già thường hoài cổ hơn về mùi hương tự nhiên, trong khi những người trẻ tuổi hơn cảm thấy hoài cổ về mùi nhân tạo. Nghe thì những kết quả này có vẻ vô nghĩa nhưng chúng có thể liên quan đến các vấn đề trong tương lai. Nếu một ngày nào đó môi trường gặp nguy hiểm và những người trưởng thành trong thế giới hiện tại không cảm thấy hoài niệm về thiên nhiên, họ có thể sẽ cảm thấy không có động lực để cải thiện tình hình môi trường.
4. Nỗi nhớ không chỉ đơn thuần là những kỷ niệm trong quá khứ
Mọi người cũng có thể cảm thấy hoài niệm về những điều xảy ra ngay trong hiện tại. Chúng ta thường gọi đó là hoài niệm đã biết trước (anticipatory nostalgia), điều này xảy ra khi người ta bắt đầu cảm thấy khao khát những gì trong hiện tại trước khi chúng biến mất trong tương lai.Loại hoài niệm này có nhiều tác động tiêu cực đến tâm trí. Sống hết mình với hiện tại thường giúp giảm căng thẳng và duy trì trạng thái cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, với hoài niệm đã biết trước, chúng ta thường đưa mình ra khỏi thực tại, sống trong một phiên bản giả tưởng của tương lai và khao khát quá khứ. Điều trớ trêu là quá khứ trong trường hợp này là hiện tại mà chúng ta đang sống. Theo kết quả của một nghiên cứu do giáo sư tâm lý học Kstalline Batcho, hoài niệm đã biết trước làm suy yếu các mối quan hệ và các kỹ năng xã hội. Điều này dẫn đến cảm giác buồn bã trái ngược với cảm giác hạnh phúc của hoài niệm thông thường. [tham khảo]
3. Nỗi nhớ khiến gia tăng lợi ích cộng đồng
Trong thập kỷ qua, nỗi nhớ đã trở nên vô cùng quan trọng đối với xã hội. Điều này phần lớn cũng có công của một nhà tâm lý học tên Constantine Sedikides. Ông cảm thấy lưu luyến sau khi chuyển từ Bắc Carolina sang Anh. Sedikides thấy rằng nỗi nhớ của ông khiến ông cảm thấy hạnh phúc và lạc quan về tương lai của mình. Điều này đã truyền cảm hứng cho ông nghiên cứu sâu hơn về nỗi nhớ và đã sớm truyền cảm hứng cho các trường đại học khác làm điều tương tự.
Nỗi nhớ đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu mới cho các nhà tâm lý học, với hàng trăm bài báo học thuật được viết về nó trên khắp thế giới. Hiện tại người ta đã xác nhận rằng sự hoài niệm tác động đến dân số của 18 quốc gia ở khắp năm châu lục – nó đang thực sự phổ biến. Sedikides nói về nỗi nhớ: Nó kết nối quá khứ với hiện tại, hướng lạc quan đến tương lai. Nó hoàn toàn là hạt nhân cho những trải nghiệm của con người. [tham khảo] Nghiên cứu về loại cảm giác này đang trở thành xu hướng cho các trường đại học trên toàn cầu và rõ ràng niềm đam mê của chúng ta với cảm xúc hoài niệm đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
2. Nỗi nhớ có thể phục vụ mục đích chính đáng. . .
Tất cả các nghiên cứu về nỗi nhớ trong cộng đồng khoa học đã đưa ra các ứng dụng kỳ vọng sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực đến nhiều người. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu cách sử dụng những cảm xúc tích cực có được từ nỗi nhớ trong pháp đồ điều trị. Những căn bệnh như Alzheimer và trầm cảm có thể được giúp đỡ bằng liệu pháp dựa trên nỗi nhớ.
Những người trong các nhóm hỗ trợ cũng vậy. Tim Wildschut, một cộng sự của nhà tâm lý học Constantine Sedikides, tin rằng nỗi nhớ có thể được sử dụng để hướng nạn nhân của những tai nạn khủng khiếp ra khỏi chấn thương của họ và hướng tới những ký ức tích cực. Hơn nữa, nỗi nhớ có thể giúp giảm bớt sự phân biệt đối xử theo một mức độ nhất định. Trong một thử nghiệm do Wildschut dẫn đầu, một nhóm được yêu cầu nghĩ về một ký ức tích cực về một người thừa cân. Kết thúc thí nghiệm, người ta thấy rằng những cảm giác hoài cổ bắt nguồn từ những ký ức tích cực đó đã khiến thái độ đối với những người thừa cân được cải thiện. Kết quả tương tự xảy ra khi thay thế người thừa cân bằng người khuyết tật hoặc người già. [tham khảo]
1. Và cả những mục đích “xấu”
Dù với tất cả sự tích cực mà nỗi nhớ có thể mang lại, sức mạnh của nó cũng có thể được sử dụng để thao túng. Giống như mùi của một tiệm bánh có thể khiến ai đó mua hàng hóa của họ, đó là loại nỗi nhớ được sử dụng trong tiếp thị hàng ngày.
Trong mộ thời gian dài những người làm quảng cáo đã phải vật lộn để tìm ra cách quảng bá thành công. Cuối cùng họ đã kết luận rằng hoài niệm là chiến thuật hiệu quả nhất. Bằng cách sử dụng những thứ từ thời thơ ấu của mọi người để quảng bá các sản phẩm hiện tại, các công ty cố gắng khiến mọi người cảm thấy gắn bó về mặt cảm xúc với bất cứ thứ gì được quảng cáo, dẫn đến sự thôi thúc mạnh mẽ hơn trong quyết định mua nó. Đây là lý do tại sao rất nhiều thương hiệu quần áo có sản phẩm quảng bá từ thập niên 90s và tại sao nhiều logo công ty sử dụng các thiết kế đã lỗi thời. Mặc dù điều này không phải là xấu, nhưng nó chắc chắn là một cách để thao túng người tiêu dùng bằng cách lôi cuốn cảm xúc tiềm thức của họ. [tham khảo]
Nỗi nhớ cũng có thể bị lợi dụng. Giáo sư tâm lý học Tim Wildschut giải thích: “Chúng tôi phải cẩn thận nếu sử dụng nó như một liệu pháp nhóm. Bất cứ điều gì làm tăng sự liên kết trong nhóm này cũng có khả năng làm tăng sự tiêu cực đối với các nhóm khác.”
Nỗi nhớ là một công cụ mạnh mẽ và chỉ tương lai mới có thể biết nó sẽ tiếp tục được sử dụng như thế nào.
Theo Listverse do Quỳnh Chi dịch
Một bài viết hay giúp ta hiểu hơn về bản chất của “nỗi nhớ”.