Những công việc thời trung cổ đã không còn tồn tại
Thời thế khác nhau mà rất nhiều công việc trong quá khứ đã không còn tồn tại (chứ không chỉ là thời trung cổ). Tuy nhiên, càng xa xưa, xã hội càng có những nghề nghiệp kỳ lạ mà chúng ta ngày nay khó thể tưởng tượng ra được. Sau đây là những công việc như thế, mời các bạn đọc giải trí.
Những công việc này xuất hiện từ thời trung cổ, đây là một giai đoạn trong lịch sử Châu Âu từ thế kỷ thứ 5 đến cuối thế kỷ thứ 15.
Nhà giả kim
Một trong những niềm tin rất mạnh mẽ vào thời trung cổ là có thể biến đổi kim loại thành vàng. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn không biết rõ các nhà giả kim thời trung cổ đã sáng tạo ra quy trình gì để biến đổi các hình thức kim loại. Nhưng rõ ràng họ có tồn tại, đi vào những câu chuyện cổ, văn chương.
Mục tiêu chính của các nhà giả kim thời trung cổ là tìm cách biến chì thành vàng hoặc bạc. Nhưng cũng có một số người khác nổ lực tạo ra phương thuốc để chữa lành.
Những phương thức của họ rất bí mật. Họ mã hóa chúng bằng những câu chuyện ngụ ngôn với những nhân vật riêng. Tất cả các nhà giả kim đều chuyên thông nhiều lĩnh vực.
Một số học giả hàng đầu thời Trung cổ đã say mê giả kim thuật, bao gồm Albertus Magnus và Roger Bacon. Nhưng đến thế kỷ 17, những ý tưởng đằng sau giả kim thuật đã dần dần bị bác bỏ, và khoa học hóa học đã thay thế nó.
Phụ nữ bán bia (Alewife)
Đây có thể là một thông tin thú vị cho bạn. Phụ nữ là người làm bia chính trong thời trung cổ. Bia cũng là thức uống phổ biến thời trung cổ, người ta uống bia vào mỗi bữa ăn là điều rất bình thường. “Alewife” là một từ khá cổ, nó chỉ về những người “vợ” pha và bán bia trong giai đoạn lịch sử này.
Nhiều người ngày nay vẫn hiểu lầm về thân phận của người phụ nữ thời trung cổ. Thực tế, vẫn có những giai đoạn họ có chỗ đứng trong xã hội, có kỹ năng và có công việc kinh doanh của riêng mình. Thậm chí họ còn có quyền lực. Đến thế kỷ 15, thì việc sản xuất bia bắt đầu được thương mại hóa chuyên nghiệp dần và xã hội lúc này bắt đầu có những hạn chế về quyền tự chủ của phụ nữ. Nghề này cũng biến mất.
Quan tửu chánh (Cup-bearer)
Chữ “Cup-bearer” nếu dịch ra tiếng Việt thì nó có nghĩa là “người mang cốc”. Ý nghĩa này nghe có vẻ hèn mọn, nhưng thực ra đây là một nghề rất cao quý trong xã hội thời trung cổ, người ta gọi là Quan Tửu Chánh.
Trong lịch sử Do Thái, có một vị Quan Tửu Chánh nổi tiếng được Kinh Thánh nhắc đến tên là Nê-hê-mi (Nehemiah). Nê-hê-mi là Quan Tử Chánh của vua Ba Tư từ năm 460 TCN. Như vậy đây là một chức quan có từ rất lâu đời và tồn tại đến tận giai đoạn thời Trung Cổ.
Vì sao các vị Vua lại cần người “cầm cốc”? Đây chính là người thử đồ uống cho họ. Dễ hiểu là vì người ta lo ngại rủi ro Vua có thể bị đầu độc. Do đó, người chịu trách nhiệm đảm bảo đồ uống an toàn vừa phải là người trung thành với Vua vừa phải là người được Vua tin tưởng. Cũng chính vì thế nên người lo công việc tưởng như đơn giản này lại có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị.
Người chèo thuyền (Galley Rower)
Nếu bạn đã xem những bộ phim kiểu như Cướp Biển Caribbean sẽ nhìn thấy hình ảnh của những người làm nghề chèo thuyền. Đôi khi “nghề nghiệp” cực nhọc này lại được xem như một hình phạt cho các nô lệ. Và người ta gọi họ là những nô lệ chèo thuyền.
Thuyền chạy bằng sức gió cùng với sức người chèo, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu phiêu lưu mà còn cả nhu cầu quân sự. Trong tài liệu “A Companion to Venetian History, 1400-1797” của Benjamin Arbel, ghi chép rằng những nơi như Crete và Cyprus đã từng bắt người dân phải đi chèo thuyền cho chính quyền như là một nghĩa vụ (giống như nghĩa vụ quân sự ngày nay).
Và vì công việc này quá cực nhọc, nên nhiều nông dân đã hết sức có thể trốn nghĩa vụ đó. Thậm chí họ chấp nhận trở thành linh mục chỉ để khỏi phải trở thành một người chèo thuyền.
Người dọn bể phốt (Gong Farmer)
Nghề nghiệp này thậm chí vẫn còn cho đến ngày nay. Chỉ là khác nhau về công cụ làm việc.
Thời trung cổ, vấn đề vệ sinh ở những khu đông dân luôn là mối nguy hại vì rủi ro lây lan dịch bệnh. Chất thải con người thường được tích tụ vào bể chứa, hầm chứa và chúng cần dọn dẹp định kỳ. Việc dọn dẹp lúc bấy giờ lại rất thủ công.
Họ chỉ đơn sơ sử dụng một cái xẻng lớn để múc chất thải và vận chuyện chúng đi ra nơi xa. Dĩ nhiên, họ được trả tiền để làm điều đó.
Người ghi chép (Scribe)
Thời trung cổ, không phải ai cũng có thể biết chữ hoặc tự viết được văn bản quan trọng cho mình. Người ta phải thuê người viết. Đây cũng là nghề nghiệp có từ rất lâu đời, từ khi con người có được chữ viết.
Có rất nhiều văn bản phục vụ nhiều mục đích khác nhau cần thuê người viết. Như là viết chính xác Kinh Thánh, viết thư từ cho ai không biết chữ, viết hợp đồng kinh doanh. Kỹ năng viết ngày xưa, vào cả thời trung cổ, thật sự rất có giá trị. Những người hoạt động trong tu viện thường là người làm được nghề nghiệp này.
Có những nghề cũng rất phổ biến thời trung cổ nhưng đến ngày nay vẫn còn ở những quốc gia nghèo, nhưng nghề gánh nước, người đưa tin…
Bài viết sử dụng nguồn sau:
- https://www.medievalists.net/2018/12/10-medieval-jobs-that-no-longer-exist/