Vì sao quân đội sẽ cần những game thủ giỏi?
Thật khó tưởng tượng câu hỏi này cũng có lúc được đặt ra một cách nghiêm túc. Đây không phải chuyện đùa. Nhiều quân đội hùng mạnh từ các quốc gia như Mỹ, Anh…đã bắt đầu công khai tuyển dụng game thủ và huấn luyện cho quân đội của họ.
Dĩ nhiên, chỉ cần họ chơi game thật giỏi mà thôi!
Mời bạn cùng tìm hiểu một vài lý do, vì sao quân đội ở cái thời đại này sẽ rất cần những game thủ giỏi.
Chiến tranh bây giờ đâu có như xưa
Có thể minh họa một ví dụ gần đây, về việc tổng thống Trump ra lệnh tiêu diệt thủ lĩnh quân đội Iran. Vụ tiêu diệt thành công chỉ bằng cách điều khiển từ xa một cái Drone.
Thậm chí sẽ không cần đến một chiến binh lực lưỡng như phim “300”. Cái phải cần một kỹ năng điều khiển nhanh nhẹn của của game thủ, kết hợp với độ chính xác của máy tính. Mọi chuyện sẽ giải quyết nhanh gọn.
Đây gần như là một biểu hiện của “cú sốc tương lai” về chiến tranh. Không còn những cỗ xe tăng với người lái bên trong, không còn những quân lính vác súng hành quân. Máy móc sẽ làm tất cả với sức công phá khủng khiếp hơn đến ngàn lần và độ chính xác cao gần như là tuyệt đối.
Lúc này, tầm quan trọng của những ngành xử lý thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ là yếu tố then chốt để quyết định chiến thắng. Thế nên, dù điều này nghe thật nực cười, nhưng tương lai người ta sẽ thay đổi cách nhìn về tiêu chuẩn quân đội. Quân đội đông chưa hẳn đã là lợi thế lớn. Nhưng quân đội với nhiều game thủ giỏi thì có thể rất đáng gờm.
“Giao diện” của chiến tranh
Mình dùng chữ “giao diện” vì nó đúng là như thế.
Chiến tranh công nghệ cao sẽ khiến cho những “người lính” chiến đấu thông qua các giao diện điện tử và kỹ thuật số tương tự như các trò chơi video. Ví dụ như bạn điều khiến một cái Drone bay vượt qua những chướng ngại vật một cách khéo léo với tốc độ cao, đồng thời truy đuổi ngắm bắn một đối tượng đang di chuyển trên mặt đất.
Tất cả sẽ sống động trước mắt “người lính”, và đòi hỏi anh ấy phải có những kỹ năng tuyệt đỉnh của một game thủ. Chỉ khác ở chỗ, lần này, đằng sau cái giao diện đó là là sự thật, và anh ấy có thể sẽ không có cơ hội thứ hai.
Một người lính tinh nhạy nơi chiến trường (nếu không đồng thời cũng là một game thủ) thì chưa chắc anh ấy đã tinh nhạy với nhiều mục tiêu khác nhau trên giao diện game. Nhưng những game thủ bắn súng thì hoàn toàn có thể.
Sự liên kết giữa “giao diện chiến đấu” với thực tế là công việc của nhà khoa học máy tính, lập trình viên, bắt tay với những nhà chế tạo vũ khí. Họ cũng góp phần vô cùng quan trọng vào độ chính xác của một đợt tấn công.
Sử dụng những kỹ năng của game thủ để phát triển AI
Có thể bạn không nhận ra điều này. Nhưng khi bạn chơi những trò như bắn súng, đua xe, sinh tồn… thì cơ thể liên tục phản ứng với những thứ trong trò chơi. Thể hiện ra bên ngoài bằng sóng não, sự di chuyển của con mắt…Tất cả những thứ đó có thể không quan trọng lắm với chính bạn vì bạn còn không để ý. Nhưng nếu tập hợp chúng lại, thì nó là một nguồn data tốt để xây dựng AI (trí tuệ nhân tạo).
Cơ quan nghiên cứu tiên tiến Quốc Phòng Hoa Kỳ (The US Defense Advanced Research Projects Agency) đã tài trợ cho một dự án như vậy [dẫn nguồn]
Họ thuê rất nhiều game thủ và trả tiền để … họ được chơi game. Khi các game thủ đang chơi trò chơi, các nhà nghiên cứu sẽ ghi lại các quyết định mà họ đưa ra, theo dõi chuyển động mắt của họ bằng máy ảnh tốc độ cao và theo dõi hoạt động não của họ thông qua điện não đồ.
Dữ liệu đó sau đó sẽ được sử dụng để xây dựng các thuật toán trí tuệ nhân tạo hướng dẫn hành vi của robot quân sự.
Quân đội đã đưa video game vào chương trình huấn luyện
Quân đội Mỹ thậm chí đã đưa video game vào chương trình huấn luyện của họ. [dẫn nguồn]
Mục đích của họ là giúp cho người lính thích với rất nhiều bối cảnh khác nhau. Đây không phải vấn đề luyện tập sự nhanh nhạy của cơ thể với tình huống. Mà là luyện tập những quyết định tức thời để giải quyết tình huống cùng với đồng đội của họ.
Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là lời biện luận để những đứa trẻ con bạn tự do chơi những trò chơi bạo lực.
Tạm kết
Dù sao đi nữa, cái giá của chiến tranh sẽ vẫn luôn là trả bằng máu. Dù là sử dụng máy móc để đánh nhau, thì mục tiêu vẫn là mạng người. Chẳng ai muốn chiến tranh. Nhưng để có được hòa bình, chúng ta vẫn phải nhìn ra cái nhu cầu và thực tế của tương lai. Để có được những bước chuẩn bị cần thiết. Mà phải kể đến trước mắt, là những tiến bộ về khoa học dữ liệu, học máy, trí tuệ nhân tạo.