10 thuyết tiến hóa thú vị có thể bạn chưa từng nghe qua
Có không ít những thuyết khác nhau về sự tiến hóa. Thuyết tiến hóa chọn lọc tự nhiên do Charles Darwin đề xuất hay còn gọi là Học thuyết Darwin chẳng qua chỉ là thuyết chính thức được khoa học chấp nhận.
Các nhà khoa học và triết gia khác đã đề xuất các thuyết tiến hóa khác ngay từ trước khi Darwin sinh ra hay sau khi ông qua đời vào năm 1882. Một số ý tưởng khá liên quan đến Học thuyết Darwin dù ở thời điểm đó lại bị cho là kỳ lạ. Thế là, những tác giả khác đó đành chấp nhận chịu một số phận kém may mắn hơn.
10. Thuyết thời kì đồ đá

Theo thuyết tiến hóa, con người đã có một sự tiến hóa nhanh chóng. Trong vòng 200.000 năm, bộ não của chúng ta tăng gấp đôi kích thước và chúng ta đã tiến hóa từ Homo erectus (Người đứng thẳng) đến Homo sapiens (Người tinh khôn). Mặc dù 200.000 năm dường như là một khoảng thời gian dài trong cuộc đời của con người, nhưng nó lại ngắn về mặt tiến hóa.
Vài thập kỷ trước, Terence McKenna đã đề xuất thuyết tiến hóa Thời kì đồ đá để giải thích sự tiến hóa đột ngột của người Homo erectus. Ông cho rằng con người tiến hóa nhanh chóng sau khi người Homo erectus thêm Psilocybe cubensis (nấm ma thuật) vào chế độ ăn uống của họ sau khi biến đổi khí hậu làm cạn kiệt hầu hết nguồn thức ăn thông thường của họ.
Nấm ma thuật là một chất gây ảo giác, giống như cần sa. Điều này có nghĩa là người Homo erectus đã kích thích sự hưng phấn để tiến hóa thành Homo sapiens. McKenna cho rằng nấm cung cấp cho người Homo erectus đủ năng lượng để tiếp tục săn bắn. Nó cũng làm tăng ham muốn và cải thiện thị lực của họ.
Tuy nhiên, học thuyết này đã bị chỉ trích vì nấm ma thuật không có nguồn gốc từ Châu Phi, vì vậy không có cách nào người Homo erectus có thể sở hữu chúng. Bên cạnh đó, McKenna đưa ra giả thuyết của mình dựa trên một nghiên cứu năm 1960 của Roland Fischer về thuốc ảo giác. Fischer chưa từng đề cập rằng thuốc ảo giác làm tăng ham muốn tình dục. Mặc dù ông tuyên bố rằng thuốc ảo giác có thể cải thiện thị lực thì nó cũng phải đi kèm một số điều kiện khác. Và không thể nào những điều kiện đó lại có thể được đáp ứng trong quá trình săn bắn. [nguồn]
9. Chuỗi Đại Thể (The Great Chain of Being)

Scala naturae (Thuyết Đại Thể) được đề xuất bởi nhà triết học Hy Lạp Aristotle. Ông tin rằng mọi loài thực vật và động vật đều duy trì những đặc điểm giống như khi chúng được tạo ra và không tiến hóa thành các loài khác.
Ông nói thêm rằng mọi loài thực vật và động vật đều có một vị trí nhất định trong tự nhiên để phục vụ cho mục đích tồn tại của nó. Aristotle cũng tin rằng các sinh vật sống có thể được sắp xếp theo thứ bậc từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất.
Theo Aristotle, thực vật là dạng sống đơn giản nhất. Từ đó, chuỗi động vật sẽ phức tạp dần cho đến khi cuối cùng chạm nấc con người. Aristotle đã viết rằng các sinh vật ở trên nấc thang càng cao thì càng trở nên hoàn hảo. [nguồn]
8. Thuyết tiến hóa của Empedocles

Empedocles (495- 435 TCN) là một triết gia cổ đại khác, người đã đề xuất một thuyết tiến hóa của riêng mình. Ông tin rằng vũ trụ bao gồm bốn yếu tố: không khí, nước, đất và lửa. Các lực hấp dẫn và lực đẩy tác động lên các yếu tố, khiến chúng tạo ra vũ trụ và mọi thứ bên trong.
Empedocles cho rằng tác động của các lực đối với các yếu tố đã tạo ra những con người đầu tiên – những sinh vật thực tế là một sự kết hợp không hoàn chỉnh không khớp giữa các cơ quan với nhau. Vì vậy, chúng ta đã có những sinh vật với cơ thể gia súc và đầu người, cánh tay không có vai và một số kết hợp kỳ quái khác.
Những giả thiết của ông khá giống với Thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin. Empedocles đã viết rằng những đặc điểm lý tưởng và phù hợp nhất thì tiếp tục tồn tại trong khi những đặc điểm không mong muốn dần biến mất. Tuy nhiên, ông không tin vào sự tiến hóa và sự hình thành các loài mới. Thay vào đó, các sinh vật rũ bỏ những phần cơ thể bất hợp lí cho đến khi chúng chỉ còn lại những thứ tốt nhất.
Một triết gia khác, Lucretius (99 – 55 TCN), đã đề xuất một lý thuyết bổ sung trong vài thế kỷ sau đó. Ông cho rằng con người với các đặc tính tốt nhất về sức mạnh, tốc độ hoặc trí thông minh đã sống sót trong khi những người còn lại dần tuyệt chủng. Ông cũng nói thêm rằng các yếu tố mà Empedocles đã viết chỉ tạo ra con người một cách tình cờ mà thôi. [nguồn]
7. Thuyết tiến hóa của Anaximander

Anaximander (610 TCN) là một triết gia Hy Lạp khác, người cũng đã đề xuất một thuyết tiến hóa. Ông đã viết rằng một loài có thể tiến hóa để tạo ra một loài khác – chính là những gì mà Darwin tuyên bố. Tuy nhiên, Anaximander không được coi là cha đẻ của Thuyết tiến hóa bởi ông cho rằng một con cá nào đó đã sinh ra con người đầu tiên trên Trái đất.
Anaximander đã đưa ra thuyết tiến hóa của mình sau khi quan sát thai nhi của một số loài động vật. Ông nhận ra rằng con non của hầu hết mọi loài động vật đều giống như một con cá. Vì vậy, ông cho rằng một bào thai cá có thể biến đổi thành một số động vật khác nếu nó ở trong bụng đủ lâu. Anaximander đã vận dụng lý thuyết này để đưa ra ý tưởng rằng một con cá đã sinh ra con người đầu tiên.
Thuyết tiến hóa của ông vấp phải nhiều ngờ vực vào thời điểm này. Con người luôn cần sự chăm sóc để tồn tại. Ngoài ra, thật khó để giải thích một con cá nuôi một con người như thế nào. Nhưng Anaximander đã có câu trả lời cho điều đó. Ông cho rằng một con cá đã sinh ra một con người trưởng thành.
Chúng ta đã đề cập rằng Anaximander tin rằng một bào thai có thể biến đổi thành một loài khác nếu nó tồn tại trong tử cung đủ lâu. Ông đã cho rằng một số thai nhi vẫn còn trong bụng con cá trong nhiều năm cho đến khi chúng biến thành người và qua tuổi dậy thì. Con cá sau đó tự vượt cạn lên bờ và ở đó con người trưởng thành sẽ tự thoát ra khỏi bụng cá. [nguồn]
6. Thuyết đột biến

Thuyết đột biến được đề xuất bởi nhà thực vật học người Hà Lan Hugo de Vries vào năm 1901. Ý tưởng này tương tự như thuyết Darwin, ngoại trừ việc de Vries cho rằng các loài mới được tạo ra bởi duy nhất một đột biến đột ngột chứ không thay đổi dần dần theo như Thuyết tiến hóa của Darwin.
De Vries cũng tin rằng các đột biến là ngẫu nhiên, trong khi Darwin đề xuất rằng chúng xảy ra là tất yếu. De Vries nghĩ rằng một loài mới có thể được tạo ra khi vài con con cùng có đột biến ngẫu nhiên. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng đột biến ở một con con thôi thì hiếm khi có thể dẫn đến sự ra đời một loài mới.
Lý thuyết đột biến của De Vries đã thất bại trong việc được chấp nhận trở thành Thuyết tiến hóa thay thế thuyết của Darwin. Nó đã bị chỉ trích vì một số lý do bao gồm cả việc nó không giải thích cho vai trò của tự nhiên trong quá trình tiến hóa. [nguồn]
5. Học thuyết Lamarckism

Lamarckism được đề xuất bởi nhà sinh vật học Jean Baptiste Lamarck vào năm 1801. Trong một nghiên cứu sâu rộng về động vật không xương sống, Lamarck đã nhận thấy rằng mọi động vật đều có liên quan đến nhau. Ông cũng quan sát thấy rằng mọi động vật sống đều liên quan đến hóa thạch tuyệt chủng. Vì vậy, ông đã đề xuất thuyết tiến hóa của mình.
Nó gần giống như thuyết Darwin, ngoại trừ một số khác biệt rất đáng chú ý. Lamarck đã cho rằng các sinh vật luôn tiến hóa trong suốt vòng đời để thích nghi với môi trường của chúng. Chẳng hạn, ông cho rằng một con hươu cao cổ thì cổ sẽ từ từ mọc dài hơn khi nó vươn mình để ăn lá mọc trên cành cây. Con của chúng được thừa hưởng chiếc cổ dài hơn và cổ của chúng cũng tiếp tục phát triển trong suốt vòng đời của chúng. Chu kỳ tiếp tục với thế hệ tiếp theo.
Lamarck cũng tin rằng các dạng sống mới bắt đầu khi các vi khuẩn phát triển ngày một phức tạp. Ông cũng nghĩ rằng những dạng sống mới này không ngừng được tạo ra. Lamarckism đã đi trước thời đại rất nhiều. Tuy nhiên, giả thuyết của ông lại không được chấp nhận vì nó không đủ chi tiết. Darwin sau đó đã có một xuất bản công phu hơn là Nguồn gốc các loài vào năm 1859. [nguồn]
4. Thuyết tiến hóa Al-Jahiz

Al-Jahiz (sinh ra tại Abu Uthman ibn Bahr al-Kinani al-Basri năm 776 SCN) là một học giả Hồi giáo, người đã đề xuất một thuyết về sự tiến hóa trong cuốn sách của mình là Kitab al-Hayawan (Sách Động vật).
Giả thuyết của Al-Jahiz đã tương tự như thuyết Darwin. Ông cho rằng mọi sinh vật đều phát triển thành hình dạng hiện tại ngày nay để đáp ứng nhu cầu sinh tồn. Al-Jahiz nói thêm rằng sự tiến hóa là một quá trình liên tục vì cuộc chiến sinh tồn là không có hồi kết. Động vật phát triển các đặc tính mới khi môi trường xung quanh chúng thay đổi. Quá trình này diễn ra đã cho phép những sinh vật này ăn sinh vật khác và tránh bị nuốt chửng.
Al-Jahiz đồng ý rằng những con vật còn sống sót đã truyền lại những đặc tính mới cho con của chúng. Tuy nhiên, ông không được coi là người tiên phong của thuyết tiến hóa bởi ông tin rằng Chúa đã tham gia vào việc sáng tạo. Cuốn sách của ông có nói “Chính Chúa đã tạo ra cơ thể sống”.
3. Thuyết tiến hóa của Georges-Louis Leclerc

Georges-Louis Leclerc, Comte de Buffon (1707 – 1788), tin rằng Trái đất được tạo ra khi một sao chổi đâm vào Mặt trời hơn 70.000 năm trước. Các mảnh vỡ từ vụ va chạm đã bay khỏi Mặt trời để tạo ra Trái đất.
Theo giả thuyết,, hành tinh của chúng ta từ từ nguội dần và đá nóng chảy chuyển thành đất khô. Những đám mây mưa cũng hình thành. Tuy nhiên, Trái đất vẫn còn nóng như thiêu đốt và bị bao phủ bởi những đại dương sôi sục.
Buffon tin rằng mọi động vật đều có nguồn gốc từ những đại dương sôi sục đó, kể cả các động vật lớn và đã hoàn thiện. Ông không giải thích chúng hình thành như thế nào nhưng lại cho rằng mọi động vật được tạo ra từ các hạt hữu cơ cụ thể trong một quá trình được gọi là “hình thành bên trong” (“internal mould”). Các sinh vật từ từ ra khỏi bờ biển khi Trái đất nguội dần. Tuy nhiên, các hạt hữu cơ tạo ra chúng trở nên không cần thiết vì chúng đã rời khỏi khu vực nơi chúng bắt nguồn.
Buffon tin rằng việc thiếu các hạt hữu cơ này gây ra sự khác biệt có thể thấy được ở các loài trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ông không tin rằng những loài này có thể tiến hóa thành những loài mới. Lý thuyết về hành tinh không được chấp nhận vì sau này người ta cho rằng Trái đất đã hơn 70.000 năm tuổi. Bên cạnh đó, động vật không thể chỉ phát triển theo cách đó được. [nguồn]
2. Thuyết sáng tạo linh hồn (Creationism)

Thuyết sáng tạo là niềm tin rằng thế giới và mọi thứ trong đó được tạo ra bởi Thiên Chúa. Thuyết này dựa trên Sách Sáng thế của Kinh thánh, cho rằng Thiên Chúa tạo ra thế giới trong sáu ngày và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy.
Những người ủng hộ thuyết này không tin rằng một loài có thể tiến hóa thành một loài khác. Tuy nhiên, họ đồng ý rằng các loài thường bị đột biến để tồn tại trong môi trường của chúng. Thuyết sáng tạo được tạo ra để chống lại các thuyết tiến hóa khoa học, đặc biệt là thuyết Darwin.
Thuyết tiến hóa đã gây tranh cãi khi được Charles Darwin đề xuất vào năm 1859. Một số tín đồ Kitô coi đó là mối đe dọa trực tiếp đối với Kitô giáo vì nó vô hiệu hóa niềm tin rằng Thiên Chúa đã tạo ra thế giới và mọi thứ trong đó. Các tín đồ Kitô thường tấn công thuyết của Darwin và thậm chí đã khiến nó bị cấm trong các trường học ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học đã đấu tranh rất quyết liệt.
Năm 1925, giáo viên John T. Scopes của Hoa Kỳ thậm chí còn bị xét xử vì đã không tuân theo lệnh cấm và giảng dạy thuyết tiến hóa trong trường học. Đức Giáo hoàng Pius XII đã gây chấn động vào năm 1950 khi ông tuyên bố rằng học thuyết Darwin không gây trở ngại gì tới chủ nghĩa sáng tạo. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng linh hồn của mọi sinh vật đều do Thượng đế tạo ra. [nguồn]
1. Thuyết tiến hóa hữu thần

Tiến hóa hữu thần là sự kết hợp giữa Thuyết sáng tạo và chủ nghĩa Darwin. Phần lớn những người theo nó là các nhà khoa học Kitô giáo tự gọi mình là nhà tiến hóa hữu thần hay nhà tiến hóa Kitô giáo.
Ý tưởng này đã được đề xuất để tìm ra một nền tảng trung gian giữa Kitô giáo và các lý thuyết khoa học về tiến hóa. Các nhà tiến hóa hữu thần tin rằng Chúa tạo ra thế giới, mặc dù họ vẫn nói rằng Kinh Thánh không bao giờ giải thích Chúa đã làm như thế nào. Vì vậy, họ kết luận rằng Chúa tạo ra các vật liệu chính mà từ đó các sinh vật sống đầu tiên xuất hiện. Sau đó, những sinh vật này tiến hóa thành mọi loài khác chúng ta có ngày hôm nay.
Thật kỳ lạ, các nhà tiến hóa hữu thần tin rằng Adam là người đàn ông đầu tiên. Tuy nhiên, họ nói rằng Thiên Chúa không tạo ra anh ta từ bụi mà từ một số sinh vật có liên quan mật thiết nhưng lại rất phi phàm như là một con vượn nhân hình. Họ nói rằng Adam là một phần của những sinh vật phi nhân loại này cho đến khi Chúa biến anh ta thành người đàn ông đầu tiên.
Từ Listverse – do Quỳnh Chi dịch
Đù, Voz đã đưa tao sang đây
Nói chung thuyết tiến hóa cũng là một trong các thuyết, và nó vẫn mãi mãi là “thuyết” thôi, được nhiều người chấp nhận ko có nghĩa nó là sự thật.