Cách đọc tin tức đỡ tốn thời gian mà vẫn nắm bắt được thông tin cần thiết
Ngày nào mình cũng đọc tin tức. Chắc bạn cũng vậy. Sau đây là một vài kinh nghiệm cá nhân mình khi đọc tin tức. Với hai tiêu chí, tiết kiệm thời gian, và vẫn nắm bắt được thông tin cần thiết.
(Chủ yếu là đề áp dụng cho việc đọc online)
Thực ra, cũng có những bài nên đọc chậm. Nhưng chúng không nhiều
Trước hết, vì sao lại đặt vấn đề “đọc nhanh” ở đây?
Khi đọc sách, tốc độ đọc của mình nhanh chậm tùy vào loại. Giả sử đọc “Lặp lại” của Soren Kierkegaard không thể nhanh như “Harry Potter” của J.K.Rowling. Ngoài ra, chủ đề mình quan tâm thì mình dành nhiều thời gian để đọc nó hơn, đôi khi lưu để sau này còn đọc lại.
Vấn đề ở đây là, hiện tại chất lượng các bài viết đã xuống cấp rất nhiều. Đa phần là những bài tin tức để tóm lược, hoặc những bài viết để đáp ứng tiêu chí SEO mà chúng trở nên dài dòng không cần thiết. Hoặc một số chỉ là sản phẩm của dịch máy mà thôi.
Thế nên, lúc này, kinh nghiệm đọc nhanh lại phát huy tác dụng. Cụ thể như sau:
#1. Tập thói quen không tò mò những điều không cần thiết
Ngày nay, chủ nghĩa giật gân lên ngôi! Thế nên, cách đặt tiêu đề giật tít trở thành một kỹ năng quan trọng trong marketing. Điều đó với mình không hay tí nào. Bạn có thể đi hỏi Hiếu PC về việc truyền thông đã “giật tít” để anh trở thành “huyền thoại trong làng hacker” ra sao?
Câu hỏi là “Điều gì khiến bạn muốn đọc tin này?“. Chúng ta cứ tưởng đó là câu hỏi đang điều khiển hành động của chúng ta. Nhưng thực ra, khi là nạn nhân của việc giật tít “vô lương tâm”, thì chúng ta chính là thảnh quả của việc giải quyết vấn đề “Điều gì khiến hắn phải đọc tin này?“. Đó là sự lầm lẫn của chúng ta. Chúng ta tưởng rằng đó là nhu cầu của mình, nhưng thực ra chúng ta chỉ đang đáp ứng nhu cầu của người giăng bẫy.
Thậm chí, đối với nhiều chính trị gia, tin tức gây tò mò chính là công cụ đánh lạc hướng dư luận. Ai sống lâu và từng trải điều này, hẳn sẽ tỉnh táo.
Đến một lúc, bạn quan sát phần mềm thống kê thời gian sử dụng các ứng dụng trên điện thoại. Bạn sẽ nhận ra mình phí rất nhiều tháng trong năm cho việc tò mò vào một thứ không cần thiết trong cuộc sống của mình.
#2. Có những bài viết chỉ cần đọc cái tiêu đề là đủ hiểu
Đôi khi có những bài viết mà, hoặc vì người viết không giỏi đặt tiêu đề “úp úp mở mở”, hoặc vì bài viết chỉ trình bày một sự kiện đã xảy ra, thì bạn chỉ cần lướt cái tiêu đề đủ hiểu. Không cần mất thời gian đọc.
Có một thời gian theo dõi tin tức về các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam năm 2020. Giả sử những tiêu đề như “Đã có kết quả xét nghiệm của …. “. Thì mình hiểu ngay là không có ca nào dương tính. Còn nếu có ca dương tính thì người viết sẽ đặt ngay tiêu đề rằng là “Có xx ca dương tính là/tại…” (hoặc kiểu tương tự thế).
Ồ, đúng là để có được kỹ năng này thì cá nhân mình đã tốn thời gian cho việc đọc những cái mà chẳng có gì mới hơn là tiêu đề. Khi nào, bạn đọc tiêu đề mà bạn cảm thấy có thông tin gì quan trọng hơn bạn cần biết. Thì có thể tham khảo kinh nghiệm tiếp theo sau đây.
#3. Đọc tin từ dưới lên
Mình thậm chí rất ít khi nào đọc phần mở đầu. Mình có cảm giác như phần mở đầu thường là phần thê lê nhất trong một bài viết. Người viết bây giờ lải nhải những cái mà một người kiến thức thông thường đều có thể biết rõ.
Phần đáng đọc nhất, và thông tin cốt lõi nhất của bài viết tin tức bây giờ, nằm ở giữa cho đến gần cuối. Kinh nghiệm của mình là lướt từ dưới lên. Đọc ngược từ dưới lên là cách nắm bắt nhanh nhất ý chính cho những bài viết tin tức hiện nay.
Điều này cực kỳ đúng với những bài viết kiểu “Vì sao…?, Lý giải…, Đây là lý do…, “.
Bây giờ, tiêu chuẩn SEO đòi hỏi người viết phải đáp ứng có các H2, H3. Đây cũng là thông tin để bạn nắm bắt nhanh nội dung khung xườn của cả bài. Và nếu như bạn cảm thấy mình đã nắm bắt vấn đề, thì không cần phải đọc lại làm gì.
#4. Sử dụng công cụ tổng hợp tin tức (đề xuất Feedy)
Cá nhân mình thì sử dụng Feedy. Mình biết có một số bạn mà nghề nghiệp gắn liền với việc phải đọc tin tức. Nhưng ngay cả khi bạn không rơi vào trường hợp đó đi nữa, thì sử dụng một công cụ tổng hợp tin tức vẫn rất hữu dụng.
Công cụ Feedy này sẽ giúp bạn thêm vào những trang web hay đọc bằng dạng RSS. Thường thì một người có xu hướng đọc đi đọc lại mấy trang web truyền thông mà thôi. Thực ra ở Việt Nam cũng không quá nhiều. Cứ add hết nó vào Feedy.
Sau đó, mỗi ngày lướt Feedy là bạn biết hết mọi tình hình. Hơn nữa, bấm vào một bài viết trong Feedy bạn được xem trước chế độ tóm tắt. Trước khi quyết định có bấm link đọc full bài hay không.
#5. Tập kỹ năng đọc nhanh
À, cái này thì có vẻ có nhiều hướng dẫn lắm. Cá nhân mình thì chỉ áp dụng đọc nhanh với những nội dung mà mình tự tin không khó nắm bắt. Nhưng rất nhiều văn bản mình đọc lại không thể đọc nhanh. Đó là vì đọc các sách về Toán, Triết, bài nghiên cứu… hay bài viết của những người có chuyên môn.
Nhưng bạn yên tâm, tin tức thì nên sử dụng kỹ năng đọc nhanh. Về cơ bản, kỹ năng đọc nhanh không phải là “trick” gì cả. Đọc nhiều thì nhanh vậy thôi. Khi bạn có nhiều từ được não ghi nhận. Cùng với mắt, bộ não tự lấp đầy thông tin trong câu mà bạn không gần phải phát âm chữ đó trong đầu.
Kỹ năng này rất hữu ích, nhất là trong thời đại ngày nay.
Bạn nghĩ sao về những kinh nghiệm của mình?