10 câu chuyện bi thảm từ nạn diệt chủng Khmer Đỏ kinh hoàng của Campuchia
Khmer Đỏ (được đặt theo tên của nhóm dân tộc thống trị Campuchia, trong tiếng Pháp có nghĩa là màu đỏ) là tổ chức cộng sản cực đoan cai trị Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979. Người lãnh đạo là Pol Pot, một “nhà cách mạng” lấy cảm hứng từ chủ nghĩa cộng sản của Mao Trạch Đông và muốn tạo ra một đế chế nông nghiệp không tưởng. Khmer Đỏ đã thực hiện một cuộc diệt chủng tàn bạo, giết chết hơn 1,7 triệu đồng hương của họ.
Với mục tiêu “thanh tẩy” tinh thần người Campuchia khỏi các tác động xấu của chủ nghĩa tư bản và ảnh hưởng từ nước ngoài, hàng triệu người đã buộc phải sơ tán khỏi các thành phố và làm việc ở nông thôn trong điều kiện hết sức khổ cực. Tài sản cá nhân, tự do tôn giáo và tiền bạc đều bị cấm. Các nhà phê bình, trí thức và tầng lớp trung lưu đã bị đem đi hành quyết tập thể trong khi nhiều người khác cũng đã chết vì đói và làm việc quá sức.
Tới khi Việt Nam tiếp cận được Campuchia và lật đổ Khmer Đỏ năm 1979, hơn một phần tư dân số Campuchia đã chết, nhiều người trong số họ bị chôn vùi trong những ngôi mộ tập thể được gọi là những “cánh đồng chết”.
10. Nhà tù an ninh S21
Nhà tù an ninh S21 là một bí mật đối với thế giới và thậm chí là với chính Campuchia cho đến khi được hai phóng viên ảnh người Việt phát hiện vào tháng 1 năm 1979. Nhà tù An ninh S21 (“S-21”) là một trường trung học cũ được sử dụng để giam giữ hơn 15.000 người trong thời kỳ Khơ me đỏ . Chỉ có một vài tù nhân được biết là đã sống sót ra khỏi S-21, vì vậy phần lớn những gì chúng ta biết về nơi này đến từ tài liệu được ghi lại một cách tỉ mỉ bởi các nhà lãnh đạo và những người công nhân trong suốt 3 năm rưỡi nhà tù đã được sử dụng.
Khi một người bị chuyển đến đây trước tiên sẽ phải chụp ảnh, và hàng ngàn bức ảnh đó vẫn còn tồn tại. Các tù nhân không ngừng bị thẩm vấn và đánh đập cho đến khi họ thú nhận những tội ác mà họ không hề phạm phải. Những người thẩm vấn thậm chí còn rút móng chân của tù nhân, dội nước vào mặt họ và mang họ ra làm thí nghiệm y học. Một khi một tù nhân thừa nhận tội danh mà họ bị cáo buộc, họ còn buộc phải viết ra lời thú tội của mình và có thể dài đến vài trăm trang. Các tù nhân đôi khi phải ăn côn trùng để sinh tồn. Điều kiện sống trong nhà tù tồi tệ đến mức một số người đã chết trước khi họ có thể bị xử tử.
Ngày nay, nhà tù là một bảo tàng dành riêng cho những người đã chết ở đó. Hình ảnh của các tù nhân phủ kín các bức tường của bảo tàng. Những lời thú tội của tù nhân cùng các tài liệu chính phủ cũng được trưng bày. Khi bảo tàng được mở cửa cho công chúng Campuchia vào tháng 7 năm 1980, nó đã thu hút khoảng 300.000 du khách Campuchia vào tháng 10 năm đó.
9. Câu chuyện của Youk Chhang
Youk Chhang là một nhà nhân đạo người Campuchia, người hỗ trợ điều hành Trung tâm Tài liệu Campuchia – một tổ chức phi lợi nhuận đã thu thập hàng trăm ngàn tài liệu và hình ảnh từ thời kì khủng bố của Khmer Đỏ. Nghiên cứu mở rộng của họ đã đóng một vai trò hết sức giá trị trong việc cung cấp bằng chứng cho các tòa án xét xử các cựu lãnh đạo Khmer vì tội ác của họ. Dự án cũng là một nhiệm vụ cho riêng Chhang. Ông và gia đình là nạn nhân của nạn diệt chủng Campuchia.
Khi chỉ mới 15 tuổi, Chhang đã bị tra tấn công khai và sau đó bị giam cầm vì lấy nấm từ một cánh đồng lúa. Chẳng ai quan tâm nấm đó là cho người em gái đang đói lả của Chhang bởi họ cho rằng lấy bất cứ thứ gì mà không có sự cho phép của chính phủ là một tội ác chống lại cách mạng. Trong tù, Chhang đã cầu xin được sống sót trong nhiều tháng cho đến khi một tù nhân lớn tuổi khác gặp trại trưởng và tuyên bố rằng ông ta mới là thủ phạm thực sự. Chhang đã được thả, nhưng người đàn ông kia đã bị xử tử.
Cho tới khi Khmer Đỏ mất quyền lực, gia đình của Chhang gần như bị xóa sổ. Chồng của chị gái đang mang thai của ông đã bị đánh đến chết vì ăn cắp thức ăn, và em gái anh ta đã chết sau khi bị mổ bụng vì bị cáo buộc ăn thức ăn đó. Chhang cũng mất đi ông bà, ba người chú, một người dì và vô số người thân khác. Dù những gì Chhang trải qua thật sự khủng khiếp, ông vẫn nói với CNN rằng đó vẫn là quá nhỏ so với hàng triệu người Campuchia khác đã chịu đựng và chết dưới trướng của chế độ này.
8. Pin Yathay
Cùng với 18 người trong gia đình, Pin Yathay là một trong hai triệu người sơ tán khỏi Phnom Penh và được gửi đến sống ở vùng nông thôn. Là một công chức cho chính phủ trước đó, Yathay phải cẩn thận để không ai biết về quá khứ liên quan tới tư sản của ông.
Trước khi trốn khỏi Campuchia vào mùa hè năm 1977, Yathay và người thân của ông đã bị buộc phải lao động cực khổ. Khi cha ông không thể làm việc được nữa, khẩu phần ít ỏi của ông phải chia đôi. Người cha qua đời ngay sau đó còn mẹ và các chị gái của Yathay cũng chẳng cầm cự thêm được bao lâu. Cả ba đứa con của Yathay cũng chết. Một trong số chúng, một cậu bé chín tuổi, đã bị các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ bắt giữ sau khi họ nói với Yathay rằng cậu vẫn có khuynh hướng Hồi giáo nặng nề. Cậu bé chết chỉ năm ngày sau khi rời khỏi nhà.
Đầu năm 1977, quá khứ của Yathay bị lộ, Yathay và vợ quyết định họ sẽ cố gắng trốn thoát khỏi đất nước. Để lại đứa con trai duy nhất còn sống của cho một cặp vợ chồng có con đã chết, Yathay và vợ đã tham gia một nhóm gồm 10 người khác chạy đến Thái Lan. Sau cuộc hành trình kéo dài hai tháng, chỉ có Yathay có thể chạy trốn qua biên giới. Yathay là một trong những người đầu tiên gây được sự chú ý đến tội ác của Khmer Đỏ. Cuối năm 1979, ông đã xuất bản một cuốn sách về những trải nghiệm của mình mang tên Murderous Utopia. Một cuốn sách khác, Stay Alive, My Son, ra đời tiếp theo vào năm 1987. Chủ đề của cuốn sách thứ hai đến từ những lời ông đã nói với con trai mình trước khi rời Campuchia. Đáng buồn thay, Yathay chưa bao giờ có thể tìm thấy cậu bé, và không biết liệu cậu có còn sống hay không.
7. Thủy thủ đoàn Foxy Lady
Kerry Hamill người New Zealand và Stuart Glass người Canada là đôi bạn thân ngoại quốc thích thưởng ngoạn vùng biển Nam Á trên du thuyền của họ, Foxy Lady. Tại Singapore vào mùa hè năm 1978, họ đã gặp một giáo viên tiếng Anh tên là John Dewhirst. Dewhirst đang đi du lịch qua châu Á vào kỳ nghỉ, Hamill và Glass đã mời anh ta đi cùng họ đến Bangkok. Sau khi dừng lại gần đảo Koh Tang của Campuchia, có thể vì một cơn bão, Foxy Lady đã bị một tàu tuần tra của Khmer Đỏ tấn công. Glass bị bắn và giết ngay tại chỗ. Dewhirst và Hamill bị bắt và tống vào nhà tù S-21 .
Nghi ngờ rằng hai người đàn ông phương Tây là đặc vụ CIA, Khmer Đỏ đã tra tấn Dewhirst và Hamill cho đến khi họ thừa nhận lời buộc tội vu khống đó. Trong lời thú nhận của Dewhirst, anh ta tuyên bố rằng anh ta được CIA tuyển dụng khi anh ta chỉ mới 12 tuổi và Đại học Loughborough – trường đại học nơi anh ta theo học – là nơi đào tạo các nhân viên CIA. Anh ta cũng nói rằng anh ta đã đến Campuchia trong một nhiệm vụ gián điệp và cha anh ta cũng là một điệp viên CIA. Khi các nhà chức trách đã hài lòng, Dewhirst và Hamill đã bị kết án tử hình.
Không ai biết chính xác những gì đã xảy ra với thủy thủ đoàn của Foxy Lady. Chính phủ phương Tây chưa từng được thông báo về việc họ bị bắt và gia đình họ cũng không biết gì về số phận của người thân cho đến khi nhà tù S-21 được khai quật. Nhiều chi tiết như kết cục của những người đàn ông ở vùng biển Campuchia cũng như Dewhirst và Hamill đã bị xử tử ra sao có lẽ sẽ không bao giờ được biết đến.
6. Dith Pran
Dith Pran, con trai của một viên chức nhà nước, là một dịch giả tài năng, từng làm phiên dịch cho quân đội Mỹ từ năm 1960 đến năm 1965. Tiếp tục công việc vào những năm 1970, ông làm việc với Sydney Schanber, một nhà báo chuyên tìm hiểu về Châu Á và tình hình Campuchia cho Thời báo New York. Sau khi Khmer Đỏ nắm quyền năm 1975, Schanberg buộc phải rời khỏi đất nước, và Pran bị bỏ lại. Dưới sự cai trị của Khmer Đỏ, Pran phải làm nghề lái xe taxi và giữ bí mật về quá khứ với tư cách là một nhà báo và dịch giả có học thức.
Cuối cùng ông bị đày về nông thôn, nơi ông đôi khi làm việc đến 18 giờ một ngày. Không chỉ buộc phải ăn vỏ cây và chuột để sống sót, Pran gần như đã bị giết sau khi ăn trộm một ít gạo vào ban đêm. Nếu không có sự can thiệp của một cán bộ Khmer Đỏ, ông đã bị xử tử. Thời điểm Pran trở về quê hương sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979, ông phát hiện ra rằng cha và bốn anh chị em của mình đều đã chết. Khmer Đỏ đã đối xử với dân làng không chút thương tiếc. Còn lại khoảng hơn 5.000 người dân đã bị chôn vùi trong rừng và giếng làng. Mặc dù Pran được người Việt Nam đang đóng quân trao lại trách nhiệm tiếp quản, ông vẫn trốn sang Thái Lan sau khi các mối liên hệ tại Mỹ của ông lập lại. Khi rời khỏi Campuchia, Pran được đoàn tụ với Schanberg trong một trại tị nạn. Schanberg đã viết một bài báo về những trải nghiệm của Pran vào năm sau, và tác phẩm sau đó đã cung cấp cốt truyện cho bộ phim đoạt giải năm 1984 “The Killing Field.” (Cánh đồng chết).
5. Haing S. Ngor
Haing S. Ngor là diễn viên từng giành giải thưởng, người đóng vai Dith Pran trong Cánh đồng chết. Thật thú vị, Ngor không có kinh nghiệm diễn xuất trước đó, nhưng theo những gì anh nói với tạp chí People trong một cuộc phỏng vấn năm 1985 thì “Tôi đã dành bốn năm ở trường diễn xuất Khmer Đỏ.”
Trước khi bị đuổi khỏi Phnom Penh năm 1975, Ngor làm bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ phụ khoa. Khi anh đang thực hiện một ca phẫu thuật, binh lính Khmer Đỏ đã diễu hành vào phòng bệnh và hỏi anh có phải là bác sĩ không. Ngor trả lời rằng bác sĩ vừa chạy ra cửa sau. Lo sợ cho tính mạng của mình, Ngor đã bỏ trốn và hối hận vì đã để bệnh nhân bị chảy máu đến chết.
Giống như Pran, Ngor đóng giả làm tài xế taxi ít học. Vỏ bọc của anh đã bị lộ hai lần. Trong một tai nạn, anh buộc phải ở trong một túp lều với 180 người khác khi nó bị đốt cháy. Bất cứ ai chạy ra ngoài đều bị bắn chết. Chỉ có Ngor và 30 người khác sống sót sau vụ việc. Trong thời gian Ngor và một cháu gái trốn sang Thái Lan năm 1979, hầu hết gia đình anh, bao gồm cả vợ anh, đều đã chết.
Sau khi chuyển đến Mỹ năm 1980 và xuất hiện trong The Killing Field năm 1984, Ngor đã sử dụng danh tiếng của mình để mang lại nhận thức và cứu trợ cho các nạn nhân diệt chủng Campuchia. Mặc dù sống sót sau thời Khmer Đỏ tàn bạo, Ngor đã phải nhận một cái chết vô nghĩa, dữ dội ngay trước nhà mình. Năm 1996, Ngor bị ba tên xã hội đen người Mỹ gốc Á phục kích trong một vụ cướp. Họ lấy chiếc đồng hồ Rolex bằng vàng của anh ta và bắn chết anh ta sau khi anh ta từ chối trao chiếc mề đay bằng vàng có chân dung của người vợ đã chết.
Nhiều người trong cộng đồng Campuchia nghi ngờ rằng Ngor đã bị giết theo lệnh của Pol Pot hoặc một số người Khmer Đỏ khác. Tuy nhiên, các cơ quan điều tra Mỹ không tìm thấy mối liên hệ chắc chắn nào giữa những kẻ giết Ngor và bất cứ ai trong chính phủ Campuchia cũ.
4. Những cộng đồng người thiểu số ở Campuchia
Mặc dù là một phong trào cánh tả, người Khmer Đỏ lại bài ngoại dữ dội. Họ chính thức tuyên bố rằng 24 nhóm dân tộc thiểu số của Campuchia không phải chiếm 15% dân số mà là 1% . Nhiều nhóm trong số các nhóm thiểu số này đã gần như bị tiêu diệt trong cuộc diệt chủng.
Hơn 100.000 người Việt Nam đã bị đuổi ra khỏi Campuchia vào năm 1976. Phần lớn trong số những người Việt Nam bị bỏ lại sau đó bị tàn sát trong vài năm tới. Cộng đồng người Hoa, vốn áp đảo hơn, cũng bị chuyển đến vùng nông thôn với phần còn lại của cư dân thành phố Campuchia. Một nửa số người Trung Quốc đã chết ở đó, nhiều người trong số họ bị bỏ đói và mắc bệnh tật. Đặc biệt mục tiêu lớn cần loại bỏ là người Chăm, một dân tộc thiểu số Hồi giáo có văn hóa và lịch sử riêng biệt so với người Khmer. Những nhà thờ đã bị phá hủy, việc cầu nguyện bị cấm ngay cả ở nhà.
Vào tháng 9 năm 1975, khi làng Chàm Svay Khleang bị Khmer Đỏ tấn công, người Chăm nổ ra một cuộc kháng chiến dũng cảm chỉ với kiếm và dao rựa . Cuộc nổi dậy đã bị dập tắt sau một vài ngày. Giống như cư dân của nhiều làng Chăm khác, người dân Svay Khleang đã bị khai trừ và sau đó phải rải rác trên khắp đất nước. Số người Chăm chết chính xác chưa bao giờ được xác định rõ ràng, chỉ ước tính khoảng từ 100.000 đến 400.000.
3. Tu viện Phật giáo Campuchia
Trước năm 1975, Phật giáo Nam tông là tôn giáo thống trị của người Khmer từ cuối thế kỷ 13. Các ngôi chùa Phật giáo (được gọi là wats) đã phục vụ các chức năng khác nhau trong cộng đồng của họ, bao gồm dạy văn hóa cho những người trẻ tuổi và cung cấp phúc lợi cho người nghèo và bệnh tật. Họ là một tổ chức quan trọng, nhưng Khmer Đỏ coi Phật giáo là tôn giáo phản động và quyết tâm xóa sạch ảnh hưởng của nó trên khắp đất nước .
Các nhà sư Phật giáo bị xúc phạm và làm nhục. Một trong những trò độc ác là bắt họ vi phạm luật ăn chay – họ đã bị Khmer Đỏ ép uống rượu và ăn những bữa tiệc mặn. Sách kinh Phật bị đốt cháy, các ngôi đền bị phá hủy. Nhiều nhà sư bị ép về lao động ở nông thôn, nơi họ khó tránh khỏi chết vì đói và làm việc quá sức. Những ngôi đền mà họ để lại được sử dụng làm phòng tra tấn và trung tâm lưu trữ, một số thậm chí còn được sử dụng để nuôi lợn. Năm 1975, chính phủ tính rằng có 66.000 tu sĩ sống trong 4.000 ngôi đền. Một báo cáo năm 1989 ước tính rằng 25.000 nhà sư đã bị xử tử và một nửa số ngôi đền đã bị phá hủy.
Hiện nay, Phật giáo đã được tái lập thành tôn giáo chính thức của Campuchia. Tuy nhiên, tác động từ thời Khmer Đỏ vẫn là một kí ức kinh hoàng. Sau khi mất rất nhiều nhà lãnh đạo, một số cộng đồng đã đấu tranh để giảng dạy và phong chức cho các nhà sư mới.
2. Cánh đồng chết
Hai trong số những địa điểm du lịch lớn nhất ở Campuchia là Angkor Wat, quần thể đền thờ nổi tiếng được xây dựng bởi Đế quốc Khmer thời trung cổ và Choeung Ek, cánh đồng chết khét tiếng nhất của đất nước. Choeung Ek là một trong hàng ngàn ngôi mộ tập thể từ thời Khmer Đỏ , chứa hài cốt của hơn 8.000 người đã bị xử tử tại đó. Một bảo tháp Phật giáo có thể chứa hàng ngàn hộp sọ của con người.
Hầu hết các nạn nhân, bao gồm cả trẻ em, đã bị tra tấn dã man trước khi bị giết. Họ bị buộc phải đào mộ của chính mình và thường bị quật hoặc đánh đến chết bằng rìu, dao và gậy tre vì Khmer Đỏ không muốn lãng phí đạn. Có khi trẻ nhỏ và những em bé còn bị đập vào cây cho đến khi chết. Sau khi bị tra tấn, nạn nhân bị đẩy vào những ngôi mộ mà họ đã đào, đất cát được ném lên trên họ. Một số người còn sống sót sau khi bị tra tấn coi như bị chôn sống. Đến tận năm 2015 vẫn còn những cánh đồng chết chưa được khai quật. Cũng có thể nhiều điểm giết chóc hơn sẽ được phát hiện trong tương lai. Do những ngôi mộ thường không được chôn sâu kĩ lưỡng, hài cốt như xương và răng đôi khi xuất hiện khắp nơi chỉ sau một trận mưa lớn.
1. Sự thờ ơ của phương Tây đối với Khmer Đỏ
Khi Khmer Đỏ nắm quyền lực năm 1975, một số ít trí thức phương Tây và các nhà hoạt động chống chiến tranh đã ca ngợi họ là những người giải phóng. Những người ủng hộ này đã chỉ trích gay gắt chế độ Lon Nol trước đây do Mỹ hậu thuẫn và các chiến dịch ném bom chết người mà Mỹ đã thực hiện ở Campuchia trong Chiến tranh Việt Nam. Họ hy vọng rằng Khmer Đỏ sẽ gạt bỏ những lo ngại của phương Tây rằng một quốc gia Đông Nam Á do cộng sản cai trị sẽ là một thảm họa.
Ngay cả khi những câu chuyện về người tị nạn bắt đầu rò rỉ ra khỏi Campuchia, những trí thức này đã lấp liếm sự tàn bạo của Khmer Đỏ và buộc tội rằng các báo cáo về người tị nạn đã được phóng đại hoặc sai sự thật. Vào tháng 5 năm 1977, Quốc hội Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra về cuộc khủng hoảng Campuchia với sự tác động của Đại diện Stephen Solarz, người đã tiếp xúc với người tị nạn ở Thái Lan. Theo chính kiến của mình, ông Solarz đã lên tiếng tại một phiên điều trần của Quốc hội về sự thờ ơ của thế giới đối với các diễn biến ở Campuchia cũng như những gì khủng khiếp đang xảy ra ở đó. Tuy nhiên, các học giả như David Chandler và Gareth Porter phản bác, cho rằng đó là đạo đức giả bởi nếu lên án Khmer Đỏ thì sao không chỉ trích chính sách quân sự trước đây của Mỹ trong khu vực? Họ lập luận rằng số người chết không thể lên đến hơn hàng ngàn người, và dù Khmer Đỏ không phải một lựa chọn hoàn hảo, chế độ cũ đã bị lật đổ còn tồi tệ hơn nhiều.
Trong cuốn sách của Porter “Campuchia: Starvation and Revolution” (tạm dịch: Campuchia: Nạn đói và Cách mạng), được ủng hộ bởi Noam Chomsky, Porter và đồng tác giả George Hildebrand, đã phủ nhận sự tồn tại của nạn đói hàng loạt ở nước này và bỏ qua việc đề cập đến các vụ hành quyết công khai và lạm dụng đối với người dân tộc thiểu số ở Campuchia. Sau khi Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ năm 1979, Pol Pot và những người theo ông chạy trốn sang Thái Lan, nơi họ tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại chính phủ Campuchia mới đang được Việt Nam hậu thuẫn. Thay vì kêu gọi bắt giữ Pol Pot, các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đã ủng hộ những nỗ lực của ông ta với hàng triệu đô viện trợ quân sự. Với việc Việt Nam được Liên Xô hỗ trợ, phương Tây đã chọn công nhận Khmer Đỏ là chính phủ Campuchia hợp pháp. Khmer Đỏ đã giữ ghế Campuchia tại Liên Hợp Quốc như một phần của liên minh chống Việt Nam cho đến năm 1991, mãi đến khi áp lực truy tố các nhà lãnh đạo của Khmer Đỏ leo thang vào những năm 1990 sau đó. Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đã bị đưa ra công lý vì họ những tội ác khủng khiếp, Pol Pot vẫn chưa bị truy tố và đã chết năm 1998.
Từ Listverse