Cơn khát vàng ở Serra Pelada – khi mỏ vàng chính là địa ngục
Trong suốt lịch sử nhân loại, không ít những cơn khát vàng xuất hiện ở khắp mọi nền văn hóa. Hơn cả một hoạt động làm giàu, nó là hoạt động phô bày trần trụi nhất những gì xấu xa của bản chất con người. Câu chuyện cơn khát vàng ở Serra Pelada (Brazil) như một minh chứng cho điều đó.
Cơn khát vàng là gì?
Cơn khát vàng là từ mô tả sự điên cuồng của đám đông đối với kim loại quý là vàng. Sự điên cuồng này khiến họ bất chấp mọi quy chuẩn đạo đức, hòng để mong có được nhiều vàng nhất có thể.
Serra Pelada là một mỏ vàng lớn ở Brazil cách cửa sông Amazon 430km. Mỏ đã trở nên nổi tiếng bởi những hình ảnh được chụp bởi Alfredo Jaar và Sebastião Salgado.
Có ít nhất 100.000 người được cho là có mặt tại Serra Pelada từ 1980 – 1986, khiến nó trở thành một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới.
Một đứa trẻ tìm thấy một chút vàng 6 gram
Vào tháng 1 năm 1979, Một đứa trẻ bơi trên bờ sông địa phương đã tìm thấy một chút vàng nặng 6 gram. Chẳng mấy chốc, khu vực này được đồn đại là mỏ vàng lớn nhất thế giới.
Nông dân Genésio Ferreira da Silva đã thuê một nhà địa chất để điều tra xem liệu có vàng trong đất nhà mình hay không. Năm tuần sau, những thỏi vàng khổng lồ nhanh chóng được phát hiện, lớn nhất nặng gần 6,8 kg – tương đương 108.000 đô la theo giá thị trường năm 1980.
Và cơn khát vàng bắt đầu từ đây.
Có không dưới bốn mươi hai tấn vàng đã được khai thác tại Serra Pelada trong một thập kỷ.
Thiên nhiên bắt đầu bị tàn phá
Trước khi mô tả sự tàn phá của cơn khát vàng trên đạo đức con người. Cơn sốt này đem lại hệ lụy không hề nhỏ cho thiên nhiên vùng.
Khi cơn khát qua đi, nó để lại một cái hố khổng lồ sâu hơn 200 mét bị ngập trong nước nhiễm thủy ngân.
Lý do là vì người ta sử dụng thủy ngân trong quá trình đào vàng. Nó làm cho khu vực xung quanh khu mỏ bị ô nhiễm nặng. Người ở hạ lưu của con sông ăn phải cá có nồng độ thủy ngân cao.
Bạn tưởng tượng thế nào khi hơn 100.000 người ăn uống, vệ sinh trong cùng một địa điểm chật hẹp. Thiệt hại về môi trường có thể khủng khiếp, nhưng khủng khiếp hơn là đạo đức con người.
Và con người trở nên hoang dại
Trước tiên, bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi hàng trăm ngàn người đàn ông đang phát điên lên vì vàng?
Thời gian đầu, trước khi chính phủ can thiệp và tiếp quản. Sebastião Rodrigues de Moura khét tiếng (được biết đến nhiều hơn với biệt danh Coronel Curió) được cho là đã quản lý mỏ trong một thời gian ngắn.
Hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái đã tham gia hoạt động mại dâm để đổi lấy vàng. Nhiều câu lạc bộ đêm mọc lên trong vùng để đáp ứng nhu cầu “rượu” và “phụ nữ”, với giá cả không hề rẻ. Với số lượng đàn ông như vậy, thật không dám tưởng tượng chuyện gì đã xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái nơi đây.
Những cầu thang trong khu mỏ được đặt tên là “tạm biệt mẹ”. Với ý nghĩa họ đã chấp nhật vào đây là có thể sẽ đối diện với cái chết. Họ thậm chí không cần đến nhiều sự hỗ trợ của máy móc, tự biến mình thành một cỗ máy đào bới ngẫu hứng.
Họ thậm chí chẳng cần đến bảo hộ lao động. Khi hàng trăm người cùng trên một chiếc cầu thang thô sơ cao gần 200m. Với họ, như vậy là đủ.
Sẽ không thể có trật tự nơi đây. Nạn tranh dành vào bạo lực diễn ra liên miên. Theo số liệu của cảnh sát, có từ 60 đến 80 những vụ giết người mỗi tháng chưa được điều tra. Nhắc lại, đây là con số mỗi tháng và chưa tính con số đã được điều tra.
Đã vào đây, người tốt cũng thành người xấu, người sống cũng như những cái xác đen đúa điên cuồng.
Một thời gian ngắn sau, quân đội đã can thiệp và tiếp quản các hoạt động khai thác. Chính phủ đồng ý mua tất cả vàng được tìm thấy. Nhưng thay vì bán cho chính phủ, đa phần số vàng được đào đều bị buôn lậu.
Người dân vẫn còn kể lại những câu chuyện rùng rợn về sự hoang dại của con người trong cơn khát vàng.