Vì sao tôi không dùng bookmark khi đọc sách?
Bookmark là một công cụ nhỏ được sử dụng để đánh dấu trang sách mà bạn đang đọc dở. Bây giờ vào tiệm sách, bạn sẽ thấy đa phần các cuốn sách đều được bán kèm với bookmark rất xinh.
Đừng hiểu nhầm, bài viết này không nhằm mục đích phê phán gì cả. Cá nhân mình cũng là người đã thường xuyên sử dụng bookmark (vì mình cũng rất thích đọc sách), nhưng chợt một hôm, mình nhận ra chính bản thân mắc phải những sai lầm không đáng có. Nên mình không dùng bookmark nữa.
Thế nên, bài viết này mang tính chủ quan cao, mục đích là kể chuyện và trình bày quan điểm bản thân, chứ không hề khẳng định “sử dụng bookmark là không nên!”. Cái quan trọng là bạn biết bản thân bạn đang đeo đuổi chuyện gì khi đọc sách.
Bookmark là để đánh dấu trang sách? Nhưng có cái quan trọng hơn cần đánh dấu
Đó chính là luồng tư tưởng của tác giả khi họ viết nên cuốn sách đó.
Rất nhiều lần mình mở ra đúng trang mà mình đã đánh dấu bằng bookmark. Nhưng khi đọc tiếp từ chính trang đã đánh dấu đó, hầu như 90% các trường hợp mình đều quên mất phần trước đó tác giả đang nói tới đâu trong luồng tư tưởng của họ. Kết quả là, mình phải lật lại trước đó một vài trang, như là một cách để “khởi động lại” việc đọc để dám chắc là đang theo sát luồng tư tưởng của tác giả.
Nghĩa là, cái quan trọng hơn để đánh dấu không phải là trang sách, nhưng là bạn biết mình đang ở đâu trong cái bản đồ mà tác giả đã vẽ ra. Và đó là điều mà Bookmark không đánh dấu được.
Giả sử, mình không sử dụng bookmark. Khi quay lại cuốn sách đọc dở, mình sẽ bắt đầu tại vị trí mà mình biết rõ tác giả đang nói đến đoạn nào, trước đó là gì…Và mình chấp nhận đọc lại những trang mà mình đã đọc rồi. Điều đó cũng cần thiết, vì đọc rồi mà không hệ thống được thì có ích chi đâu.
Bị ám ảnh bởi tâm lý “phải đọc cho hết”
Cho đến khi bạn xây dựng được một thói quen đọc sách tốt, thì bạn cũng đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Đối với một số bạn đang trong giai đoạn bắt đầu “tập đọc sách” (vì không hề có thói quen đọc sách từ nhỏ), thì hay bị ám ảnh bởi tâm lý rất kỳ quặc. Đó là: phải đọc cho hết. Và chính tâm lý này khiến việc đọc sách của bạn không còn mấy ý nghĩa nữa, và bookmark lại trở thành có hại.
Hại ở chỗ, bookmark không còn thực hiện công năng của nó là đánh dấu vị trí trang sách đọc dở nữa, mà là đánh dấu “thành tích” đọc sách của bạn. Dẫu rằng, có thể chúng ta vẫn sử dụng nó để đánh dấu vị trí, nhưng cái tâm lý “đọc cho hết” đó nó chi phối bạn khiến bạn ít nhận được gì nhiều từ nội dung quyển sách, như đáng phải nhận được.
Biểu hiện của người bị ám ảnh bởi tâm lý này, là cứ hễ đọc một chút thì họ lại nhìn coi mình đã sắp hết hay chưa, còn bao nhiêu trang nữa thì xong? Điều đó liên tục chi phối tâm trí đọc của họ.
Đôi khi, bạn tham gia vào một số nhóm về đọc sách. Họ thường chia sẻ “thành tích” đọc sách của bản thân. Kiểu như “năm nay đã đọc được bao nhiêu quyền sách?”…rồi chụp hình các kiểu. Khiến cho cái tâm lý “khoe khoang” đó chi phối bạn nhiều hơn nữa.
Tạm kết
Vậy đó, vì lý đó trên nên mình chẳng muốn dùng bookmark nữa, nhiều khi đọc sách nó rơi lên rơi xuống cũng mất công. Sách nào đang đọc nửa chừng, cứ giở sách ra là đọc tiếp từ chỗ mà trí nhớ mình còn lưu lại được. Mình quan tâm đến chất lượng đọc hơn hết.
Mình cũng hay sưu tầm bookmark, vì nó khá đẹp và đa dạng. Cuốn nào mua về cũng có bookmark tương ứng bìa sách. Ngoài ra, còn giữ lại những bookmark thủ công rất công phu.