Tycho Brahe – nhà khoa học “mất mũi” đã khai sáng cho thiên văn học
Tycho Brahe là người đã chuốc bia khiến một con nai say khướt – người được cho là đã ngoại tình với nữ hoàng Đan Mạch – và cũng là người thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về chính vũ trụ.
Khoảng 400 năm sau khi qua đời, nhà thiên văn học người Đan Mạch Tycho Brahe vẫn còn là cái tên khá xa lạ với hầu hết mọi người ngày nay. Tuy nhiên, những công trình quan sát các hành tinh và các khám phá về thiên thể khác của ông đã mở đường cho những đột phá khoa học trong tương lai, giúp định hình sự hiểu biết của chúng ta về thế giới như chúng ta biết ngày nay. Và cuộc sống đời tư của ông cũng thú vị không kém.
Cuộc sống khởi đầu đầy khác thường của Tycho Brahe
Tycho Brahe và anh trai sinh đôi của ông được sinh ra tại một trong những gia đình quý tộc của Đan Mạch vào tháng 12 năm 1546. Người anh sinh đôi của Brahe đáng buồn là đã chết trước khi đến lễ rửa tội, để lại ông là con cả trong số 12 người con của cha mẹ ông và là người thừa kế duy nhất của gia đình về mọi tiền của cũng như lâu đài từ thời tổ tiên để lại.
Tuy nhiên, suốt hầu hết thời thơ ấu của mình, Brahe lại thực sự được nuôi dưỡng bởi người chú giàu có của mình, Jørgen Thygesen Brahe. Những lý do đằng sau hoàn cảnh sống của Brahe khi còn là một đứa trẻ chưa bao giờ được giải thích đầy đủ và một số nhà sử học cho rằng cậu bé khi đó thực sự đã bị bắt cóc bởi người chú giàu có nhưng không được thừa kế gì.
Dù lý do là gì đi nữa, cha của Brahe cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận nào đó với chú của mình và cậu bé khi ấy đã hồi tưởng lại rằng chú của mình, như sau:
“Ông ấy hào phóng chu cấp cho tôi trong suốt cuộc đời cho đến năm tôi 18 tuổi; ông luôn coi tôi là con trai của mình và biến tôi thành người thừa kế của ông.”
Tycho Brahe nói về chú mình.
Đột phá của Brahe trong lĩnh vực thiên văn học
Khi Tycho Brahe mới 13 tuổi, ông được người chú gửi đi học luật tại Đại học Copenhagen. Tuy nhiên, vào năm 1560, Brahe đã chứng kiến một sự kiện sẽ thay đổi không chỉ quá trình học tập mà là cả cuộc đời ông.
Các nhà thiên văn học châu Âu đã dự đoán rằng sẽ có nhật thực toàn phần vào ngày 21 tháng 8 năm đó. Vào thời điểm đó, khoa học thiên văn học vẫn còn chưa tạo được ranh giới rõ ràng giữa các lĩnh vực khoa học và mê tín dị đoan. Việc Mặt trời thực sự biến mất sau mặt trăng vào một ngày được chỉ định và cả thế giới chìm trong bóng tối đã khiến mọi người vô cùng kinh ngạc.
Đối với một số người, thông báo về nhật thực là một dấu hiệu khởi đầu sự hoảng loạn và tại Pháp, hàng chục người đổ xô đi thú tội với các linh mục. Tuy nhiên, đối với TychoBrahe, sự kiện trọng đại này đã đánh dấu một điểm thay đổi trong cuộc đời mà ông không bao giờ có thể quên.
Mặc dù ông vẫn theo mong muốn của chú mình và học luật vào ban ngày, nhưng đến tối, ông bắt đầu tìm hiểu về vũ trụ. Brahe đã mua một số dụng cụ thiên văn và bắt đầu đọc một vài cuốn sách về thiên văn học có sẵn. Khoa học thay đổi rất ít kể từ thời của người Hy Lạp và cuốn Almagest của Ptomley được viết vào khoảng năm 150 sau Công nguyên vẫn đóng vai trò là tài liệu tham khảo cơ bản cho hầu hết các nhà thiên văn học trên thế giới.
Almagest không chỉ giải thích các chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh đã biết (cho phép các nhà thiên văn học đưa ra dự đoán khá chính xác về nhật thực) mà còn cung cấp tọa độ hoàng đạo của hơn 1.000 ngôi sao. Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa, Tycho Brahe sẽ thực hiện những khám phá chứng minh những kiến thức quý giá hàng nghìn năm tuổi về thiên văn này đã có chút lỗi thời.
Chóp mũi bị mất và một khám phá về thiên thể
Tycho Brahe sau đó đã dành một thập kỷ từ 1560 đến 1570 học tại các trường đại học ở Copenhagen ở Đan Mạch, và Leipzig, Wittenberg, Rostock, Basel và Augsburg ở Đức. Trong quá trình học tập và du lịch, ông đã tích lũy được rất nhiều kiến thức về toán học và thiên văn học, có được một bộ sưu tập các dụng cụ phục vụ nghiên khoa học ấn tượng trên đường đi.
Năm 1566, một cuộc tranh cãi về tính toán toán học (hoặc có thể là tranh cãi về dự đoán thiên văn, vì có nhiều nguồn kể lại khác nhau) đã trở nên gay gắt và biến thành một cuộc đấu kiếm dữ dội, trong đó ông đã bị mất một phần mũi. Trong phần còn lại của cuộc đời, ông phải đeo một bộ phận giả bằng kim loại trên chóp mũi bị mất, được làm bằng vàng hoặc bạc (những nghiên cứu sau này thực sự tiết lộ đó là đồng thau).
Brahe trở lại Đan Mạch vào khoảng năm 1570 và xây dựng cho mình một đài thiên văn tại tu viện cũ của Herrevad Abbey, sau này đã thuộc sở hữu của một trong những người thân của ông. Tại Herrevad năm 1572, Tycho Brahe đã thực hiện một quan sát kỳ lạ vào một đêm tháng 11.
Đôi mắt của Brahe bị hấp dẫn bởi một ngôi sao trên bầu trời đêm tỏa sáng hơn cả sao Kim. Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn, ngôi sao đã xuất hiện ở một vị trí chưa từng có ngôi sao nào được ghi nhận trong chòm sao Cassiopeia.
Từ thời xa xưa, các nhà thiên văn học đã thừa nhận học thuyết về sự bất biến của thiên thể được đặt ra bởi nhà triết học Aristotle. Học thuyết về cơ bản tuyên bố rằng: vũ trụ được cai trị bởi thiên đàng, là hoàn hảo và không thay đổi. Nếu các ngôi sao không đổi thì có nghĩa là Brahe không thể nhìn thấy một ngôi sao hoàn toàn mới trong một chòm sao đã được vạch ra trong nhiều thế kỷ.
Sau khi nghiên cứu sâu hơn, ông nhận ra rằng mình không chỉ phát hiện ra một ngôi sao mới, mà còn là một ngôi sao cố định ở xa hơn Mặt trăng và tất cả các hành tinh khác. Năm 1573, ông đã ghi lại những phát hiện của mình trong cuốn sách De Nova Stella (Ngôi sao mới), cuốn sách đã đưa ông trở thành một nhà thiên văn học danh tiếng trên khắp châu Âu. Trong cuốn sách, tựa đề được dịch là “Ngôi sao mới”, Tycho Brahe cũng đã thiết lập thuật ngữ “nova” để mô tả một ngôi sao mới (mặc dù ngôi sao cụ thể mà ông phát hiện ra đã được phân loại là siêu tân tinh hay sao băng).
Tycho Brahe và cách nhìn mới về vũ trụ
Khám phá thiên văn này là một điều quan trọng, vì ngôi sao mới Tycho Brahe đã định hình lại tất cả mọi thứ mà trước đây được giả định về thiên đàng.
Nếu mọi thứ trong vũ trụ không cố định và vĩnh cửu, thì hầu như mọi thứ đều có thể. Trong khi các nhà thiên văn học trước đây chỉ tập trung vào việc quan sát các chuyển động và mô hình mà họ nghĩ đã được xác định, Brahe đã sử dụng các tính toán và hiệu chỉnh tỉ mỉ của các công cụ của mình và lưu ý một số sai số quan trọng chưa từng được chú ý, và nó đã dẫn đến sự sụp đổ của một số các lý thuyết cố hữu và việc thành lập một số giả thuyết mới.
Brahe bắt đầu giảng dạy về thiên văn học tại trường cũ của mình, Đại học Copenhagen, và đã thu được thành tích ấn tượng trên khắp châu Âu. Một trong những người quan tâm nhất đến công việc của Brahe không ai khác chính là vua Frederick II của Đan Mạch.
Nhà vua đã vô cùng ấn tượng và sẵn sàng tài trợ việc xây dựng đài thiên văn cho nhà thiên văn học trên đảo Hven gần Copenhagen, nơi không lâu sau đã trở thành một trong những cơ sở có uy tín nhất trên lục địa.
Trong khi đó, cuộc sống cá nhân của Brahe tiếp tục gây chú ý như chính sự nghiệp tài năng của ông. Năm 1573, ông đã gây xôn xao trong cộng đồng các gia đình quý tộc bằng cách kết hôn với con gái của một người nông dân, là cô Kirstine, người đã cùng ông có đến tám người con. Nhà thiên văn học không chỉ đưa các nghệ sĩ người Ý đến trang trí đài quan sát của mình (cho gần giống với một lâu đài hơn) mà còn giữ một đoàn người gồm những nhân vật lập dị xung quanh ông. Đoàn tùy tùng kỳ quái này bao gồm một người hề, một người lùn tên là Jepp, người cũng được cho là có sức mạnh tâm linh, và một chú nai con đáng yêu mà nhà thiên văn học đã cho uống bia đến khi nó cuối cùng phải say khướt và ngã xuống bậc thang.
Tycho Brahe và những tin đồn về cái chết kỳ lạ
Tycho Brahe sớm trượt dốc khỏi sự ưu ái của hoàng gia sau cái chết của Vua Frederick II và người thừa kế của nhà vua, Vua Christian IV lại không thích nhà thiên văn học của cha mình chút nào.
Nhưng tại sao ông lại bị quay lưng đột ngột khi đang được ân sủng? Người ta suy đoán rằng sự thù địch của nhà vua bắt nguồn từ tin đồn rằng Brahe đã ngoại tình với mẹ của mình, Nữ hoàng Sophie, tin đồn cũng có thể đã truyền cảm hứng cho vở bi kịch nổi tiếng nhất của Shakespeare – Hamlet.
Brahe bị buộc phải chạy trốn khỏi Đan Mạch vào năm 1597 và cuối cùng định cư tại Prague, nơi ông được hưởng sự bảo trợ của Hoàng đế Rudolf II.
Nhà thiên văn học đang tham dự một bữa tiệc tại thành phố đã cưu mang ông vào năm 1601 thì đột nhiên ngã bệnh và qua đời 11 ngày sau đó ở tuổi 54. Sau đó, những câu chuyện đầy màu sắc xoay quanh nhà thiên văn học nổi tiếng và cái chết bất ngờ của ông bắt đầu lan rộng.
Mặc dù Tycho Brahe chính thức được công bố chết vì bệnh thận, từ lâu đã có giả thuyết cho rằng ông thực sự bị đầu độc. Những giả thuyết này chỉ được củng cố khi các nhà nghiên cứu phân tích hài cốt của ông vào những năm 1990 đã tìm thấy hàm lượng thủy ngân cao trong tóc.
Một nghi phạm trong vụ án là Vua Christian IV, người đã có một sự thù hận được xác nhận đối với Brahe và trước đó đã ép ông rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác đã xác định rằng kẻ giết người khả năng cao là trợ lý riêng của Brahe và cũng là nhà thiên văn học cộng sự của ông – Johannes Kepler.
Brahe nổi tiếng với việc luôn giữ khư khư tất cả những kiến thức mà anh ta đã ghi lại, thậm chí không cho phép người cộng sự của mình tiếp cận nó. Điều này dẫn đến sự đụng độ thường xuyên giữa hai người. Kepler thừa nhận rằng ông thường chịu khuất phục trước “lực kích động” của sao Hỏa và chắc chắn ông ta cũng sẽ có quyền tiếp cận với thủy ngân khi làm việc trong phòng thí nghiệm của Brahe, cũng như dễ dàng tiếp cận với chính Brahe để hạ độc.
Nhưng có lẽ bằng chứng tai hại nhất là sau cái chết của Brahe, Kepler đã công khai thừa nhận ăn cắp nghiên cứu của ông, sau đó giải thích rằng “Tôi đã nhanh chóng tận dụng sự vắng mặt, hoặc thiếu thận trọng của những người thừa kế rồi bằng cách quan sát tỉ mỉ tôi đã chiếm đoạt chúng.”
Kepler đã phát triển các lý thuyết của riêng mình về chiêm tinh học và chuyển động của các hành tinh, và điều này hóa ra lại đặt nền móng cho những nhân vật tầm cỡ của nền khoa học hiện đại, bao gồm cả Isaac Newton. Những lý thuyết này, tất nhiên, sẽ không bao giờ có thể thành hiện thực nếu không có những nghiên cứu mà Kepler đã lấy từ chính giáo viên của mình, Tycho Brahe – một nhân vật hết sức thú vị nhưng lại không được nhiều người biết đến.
allthatsinteresting