Truyền thông đang hủy hoại thế giới như thế nào?
Bài viết không so sánh giữa cái “được” và cái “mất”. Nhưng đang đề cập đến khía cạch tiêu cực mà truyền thông mang đến. Và dường như, cường độ của sự tiêu cực này càng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Kể từ khi máy in được phát minh. Kiến thức và thông tin đã lan khắp nhân loại, ngành truyền thông bắt đầu tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống. Nhưng kể từ khi internet ra đời, truyền thông đã thật sự bùng nổ. Những vấn đề mới bắt đầu phát sinh. Dường như cái gì “quá” cũng không hẳn là tốt.
Thời gian chú ý của chúng ta thua một con cá vàng
Có lẽ bạn đọc đến được tới đây cũng đã là một người kiên nhẫn hiếm hoi trong thời buổi này!
Nghiên cứu của Microsoft về khả năng chú ý của người dùng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã chỉ ra kết quả bất ngờ. TÁM GIÂY! Nghĩa là người ta sẽ mất sự tập trung sau 8 giây.
- Đó là lý do vì sao các dòng tweet ngắn và và short video (như tiktok) dễ được ưa chuộng. Người dùng lướt qua một video mới và có cảm giác được “refresh” để đón nhận một cái gì mới. Rồi cứ thế, cảm giác đó lặp đi lặp lại giữ chân người dùng.
- Nhưng cái nghiêm trọng hơn, là nó tập cho chúng ta thói quen nhanh chóng phớt lờ. Giảm khả năng tập trung cho nhiều thứ trong cuộc sống. Và dễ dàng bị phân tâm vào những thứ khác. Khiến cho công việc và sinh hoạt thường ngày thiếu hiệu quả.
Microsoft cũng đã phát hiện ra rằng kể từ năm 2000 (khoảng thời gian cuộc cách mạng di động bắt đầu), thì thời gian chú ý trung bình giảm từ 12 giây xuống còn tám giây. Thủ phạm gián tiếp ở đây: chính là điện thoại thông minh.
Ví dụ: bạn đang chơi với con nhưng thực ra chỉ là giả vờ, vì đang lướt instagram (hoặc tương tự). Nhưng cũng không phải bạn tập trung vào “một đối tượng”, nhưng liên tục bị phân tâm vì nhiều nội dung khác nhau trên đó.
Hiệu ứng FOMO âm thầm thay đổi nhân sinh quan
Ở đây có hai khái niệm cần hiểu. “Hiệu ứng FOMO” là gì? Và “nhân sinh quan” là gì?
- Nhân sinh quan là quan niệm của bạn về mọi mặt của đời sống, từ chung đến riêng, từ lớn đến nhỏ, từ lịch sử đến hiện tại và tương lai. Bất cứ điều gì thuộc về nhân sinh. Dưới tác động của hiệu ứng FOMO, thì nhân sinh quan của bạn sẽ bị chi phối hoàn toàn bởi số đông.
- FOMO là viết tắt của chữ “Fear of Missing Out”, nghĩa là sợ bỏ lỡ một điều gì đó. Các bạn nào làm việc trong ngành tài chính thì thường hiểu như là nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư dẫn đến quyết định rót vốn sai lầm. Nhưng rộng hơn, FOMO như là một nỗi sợ thua kém người khác.
Kết hợp lại, truyền thông đã khiến cho hiệu ứng FOMO lan tỏa từng ngày từng giờ, âm thầm thay đổi con người bạn.
Ví dụ: bạn nhìn thấy cuộc sống của người khác trên mạng xã hội và có cảm giác rằng họ hạnh phúc hơn cuộc sống của chính bạn. Khiến bạn cảm thấy mình như một kẻ thất bại. Chính cảm giác “bị bỏ lại trong cuộc đua” này khiến cho bạn có những quyết định không tỉnh táo. Đòi hỏi những điều không phù hợp hoặc vội vàng.
Truyền thông biến chúng ta thành những “con nghiện”
Gần đây, mình có đọc một bài trên Review.org, đưa ta một số thông tin khảo sát khá thú vị (và chấn động!).
- Trung bình, người Mỹ kiểm tra điện thoại của họ 262 lần mỗi ngày. Nếu chia đều ra thì cứ sau 5,5 phút lại kiểm tra điện thoại một lần.
- Người Mỹ dành trung bình 50 phút trên điện thoại của họ trước khi đi ngủ.
- 54% số người nói rằng họ lo lắng khi pin điện thoại di động của họ xuống dưới 20%.
Và nếu như chúng ta có lý do chính đáng cho việc phải liên tục gắn liền với điện thoại. Thì cái quan tâm ở đây là “truyền thông” trên điện thoại.
Theo bài nghiên cứu trên addictioncenter.com, việc sử dụng mạng xã hội sẽ kích thích cùng một vùng não bộ với việc sử dụng chất kích thích. Đó chính là lý do mà người ta dùng chữ “nghiện mạng xã hội”. Vì đó đúng theo nghĩa đen.
Dĩ nhiên, không phải cứ ai sử dụng mạng xã hội là nghiện! Chỉ là, liệu có đủ tỉnh táo để tự hỏi rằng “tôi đã mất tự do vì mạng xã hội như thế nào?”.
Truyền thông khiến chúng ta sống cho sự công nhận của người khác
Quyền lực của truyền thông đã bị phân tán kể từ khi mạng xã hội bùng nổ. Đến mức các cơ quan báo chí phải “sống nhờ” mạng xã hội. Nhưng nếu xét dưới góc độ cá nhân, khi mỗi người được ban cho một quyền lực truyền thông nhất định. Thứ quyền này biến họ thành kẻ sống cho sự công nhận của người. Mà điều này hay được thẩm định là “nút like”.
Ví dụ: bạn sẽ có động lực giúp đỡ ai đó hơn nếu điều này trở thành một “content” thu hút trên trang cá nhân của bạn. Việc người khác nhận được sự giúp đỡ là tốt! Nhưng cần hỏi “nếu không có truyền thông” thì bạn có động lực không? Và nếu trả lời là “không!” thì cái bạn đeo đuổi không phải là tình yêu con người mà chỉ là sự công nhận của mọi người rằng bạn là người có đạo đức. Điều này rất dễ gây tranh cãi vì chỉ có ai tự chân thành với bản thân mới trả lời được.
Tạm kết
Bài viết không trình bày nhiều vấn đề rõ mồn một khác. Như là truyền thông là công cụ của chính trị. Truyền thông là công cụ định hướng dư luận. Hay tác hại của truyền thông bẩn, hay đạo đức truyền thông…
Việc nhận thức rõ mặt trái của truyền thông không có nghĩa phủ nhận mặt lợi ích của truyền thông. Nhưng, ai nhận thức rõ thì làm chủ bản thân. Đó mới là điều đáng nói.
Bài viết có tham khảo các nguồn:
- https://listverse.com/2021/05/24/top-10-ways-social-media-is-ruining-the-world/
- https://www.addictioncenter.com/drugs/social-media-addiction/
- https://time.com/3858309/attention-spans-goldfish/