Kể chuyện lần đầu phỏng vấn xin việc và sự chân thành
Thật khó để lấy trải nghiệm cá nhân của một người rồi tôn nó lên thành quy chuẩn đại trà. Hoàn cảnh và nhân vật của mỗi câu chuyện khác nhau. Nhưng mình tin rằng, có những thứ gọi là “giá trị cốt lõi”. Sự chân thành là một trong những giá trị cốt lõi mà cá nhân mình đeo đuổi.
Vì sao nên chân thành?
Thật khó mô tả. Nhưng ban đầu, ai trong chúng ta cũng sẽ có cảm giác áy náy khi ta nói ra một cái gì đó không đúng sự thật. Không biết điều này có ai ngoại lệ không. Và sau nhiều năm trưởng thành, với một số người, cảm giác đó yếu ớt dần và đôi khi chẳng còn nữa.
Nhưng ai có được sự giáo dục tốt, cảm giác áy náy nó thành một bức tường kiên cố để ngay khi sự dối trá muốn phá vỡ để tung ra ngoài cũng khó mà làm được. Đó là xuất phát điểm.
Ai đó xin việc, cố gắng trình bày CV sao cho nghe cũng rất gì và này nọ. Cố gắng trả lời phỏng vấn sao cho “điểm yếu cũng thành điểm mạnh”. Thực ra, theo mình mấy chuyện đó nhỏ nhặt lắm. Như cái biểu hiện bên ngoài thôi. Còn bên trong là cái quan niệm (mà chẳng biết nảy nở từ khi nào) rằng là: thật thà thường thua thiệt.
Kể ra cũng đúng! Đặc biệt rất đúng trong xã hội ngày nay. Vậy có trường hợp nào: thật thà mà không đến nỗi thua thiệt không? Thử nghe câu chuyện của mình xem sao nhé.
3 lần xin việc và trả lời phỏng vấn
Cá nhân mình nhận định bản thân không phải là một người xuất chúng trong một lĩnh vực gì cả. Không có tài lẻ. Trí thông minh trung bình. Có chút khả năng tự học. Có chút khả năng diễn đạt điều mình nghĩ. Chỉ vậy thôi!
Và những câu chuyện mình kể đây là có thật vì là trải nghiệm của mình. Bắt đầu từ những ngày mới ra trường, gửi CV như “trải truyền đơn” để mong có được những đồng lương tự lập đầu đời.
Chân thành một cách ngây thơ
Mình tốt nghiệp tấm bằng cử nhân tiếng Nhật loại khá. Nộp đơn vào một công ty truyền thông nhỏ của người Nhật – chuyên đăng tải tin tức Việt Nam bằng tiếng Nhật cho người Nhật ở Việt Nam. Nộp đơn xong, phỏng vấn lần đó cùng với mình cũng là nhiều ứng viên khác giỏi hơn.
- Em có đọc tin tức về Nhật Bản trên báo Việt không? (Sếp hỏi)
- Thưa có! Em vẫn hay đọc tin tức mỗi ngày! Đọc cả tin liên quan đến Nhật Bản! (mình trả lời).
Để kiểm tra độ chân thành của câu trả lời, sếp và chị tuyển dụng hỏi tiếp:
- Tin tức ngày hôm qua em đọc về Nhật Bản là gì?
- Em có đọc về hai công ty Nhật Bản muốn xây dựng trung tâm vũ trụ ở Việt Nam (nguồn)
Dĩ nhiên là sếp còn hỏi mình nhiều câu hỏi khác. Và mình trả lời với vốn tiếng Nhật ít ỏi (dù là cử nhân) và cũng không phải là trôi chảy lắm. Mình cảm thấy buổi phỏng vấn thật tệ! Không chút hy vọng nào.
Nhưng thật bất ngờ! Ngày hôm sau, mình nhận được cuộc gọi của sếp báo tuần sau đi làm. Mình thậm chí không thể tin nổi vào tai.
Đi làm vài tháng. Đến khi mình bắt đầu thân hơn với chị nhân sự. Lúc ăn cơm trưa chung tại công ty. Chị ấy bắt đầu cởi mở chuyện “ngày xưa” vì sao sếp chọn mình? Chị ấy đã kể lại điều khiến mình bất ngờ.
Chị ấy nói: tiếng Nhật của mình không hề giỏi? Thua xa so với các ứng viên khác. Nếu ai đó được hỏi câu “Có đọc tin tức về Nhật Bản không?” thì họ liền trả lời “có” vì cho rằng đó là lợi thế. Nhưng nếu hỏi tới “cụ thể hôm qua đọc tin gì?”, thì họ bắt đầu ú ớ. Còn mình thì có sao nói vậy. Mình gọi đó là chân thành một cách ngây thơ. Không ngờ, sếp người Nhật lại đánh giá cao điều đó.
Mình bắt đầu cảm nhận được sức mạnh của sự chân thành (trong công việc).
Chân thành một cách khôn ngoan
Mình làm việc một thời gian. Vì không chịu được sự gò bó về thời gian khi trở thành nhân viên văn phòng. Nên mình đã xin nghỉ việc. Sếp hỏi “vì sao?” (vẫn là ông sếp trên). Mình chia sẻ chân thành “công việc chiếm quá nhiều thời gian cuộc sống, không còn những kế hoạch nào cho riêng em, trong khi em còn trẻ!”. Sếp nói mình đã làm việc rất tốt và cho phép mình đem công việc về nhà để tự sắp xếp mà vẫn lấy đến 80% lương.
Nhiều năm sau, mình chuyển công việc vào một công ty IT. Trở thành IT Communicator cho họ, và công ty cũng có đối tác Nhật Bản. Trong cuộc phỏng vấn đó:
- Điểm yếu của em là gì? (sếp hỏi)
- Điểm yếu của em là không giỏi làm việc theo nhóm! Em chỉ cảm thấy thoải mái khi làm việc một mình.
Dĩ nhiên chẳng có ứng viên nào trả lời như thế cả. Ai cũng nói họ có kỹ năng làm việc theo nhóm tốt (mà có lẽ thực sự là như vậy). Mình nghĩ thế này: Mình cần công việc thật, nhưng người ta cũng cần tìm đúng người. Nếu mình nói dối là mình giỏi làm việc theo nhóm thì hóa ra sau này mình lại hỏng việc của họ. Mình cứ nói thật để sự tuyển dụng của họ là thật. Nếu mình phù hợp thì cả hai đều có lợi. Nếu không thì cố làm gì, đi tìm cơ hội khác. Mình cho rằng, suy nghĩ như vậy là thấu đáo và khôn ngoan.
Nhưng thật may mắn (và bất ngờ) là lần phỏng vấn đó có duy nhất mình được nhận!
Mình cho rằng: người “dại” là cố gắng đóng một cái vai mà họ không phù hợp. Và biện hộ rằng đang “tự tạo áp lực để tiến bộ hơn”.
Chân thành một cách chủ động
Sau nhiều năm làm việc vị trí IT có liên quan đến tiếng Nhật. Sếp hỏi có muốn sang Nhật làm không? Mình cảm ơn và trả lời không! Có lẽ sếp hơi bất ngờ. Mình là người thích một mình, không thích đi Nhật để làm việc, chỉ thích đi Nhật du lịch vài bữa rồi về.
Sau đó, mình một lần nữa cảm thấy công việc văn phòng trở nên gò bó và căng thẳng. Mình đặt vấn đề với sếp:
- Sếp ơi, em muốn xin được làm việc ở nhà. Em đảm bảo chất lượng và khối lượng công việc. Ngày ngày đến ngồi tại công ty em thấy gò bó quá. Ngoài ra em cũng đang dự định một startup riêng.
Khi nói như vậy nghĩa là hai bên ngầm hiểu nếu nhu cầu không được đáp ứng thì mình sẽ nghỉ việc. Nhưng một lần nữa, sếp đồng ý với yêu cầu của mình. Mở server cho mình làm việc ở nhà mà vẫn hưởng 80% lương. Sau một thời gian làm việc, mình đã tự lập business riêng được và không còn làm công ty nữa.
Mình gọi đó là chân thành một cách chủ động.
Tạm kết
Trên đây, mình chỉ nói về sự chân thành trong công việc. Trong cuộc sống còn nhiều lĩnh vực quan trọng hơn thế, như tình cảm chẳng hạn. Lúc này, sự chân thành phát huy tác dụng còn “khủng khiếp” hơn cả trong công việc. Nhưng thật khó để chia sẻ và mong có ai hiểu được. Vì nó phải là trải nghiệm của từng người.
Có lẽ mình rất hợp với chủ nghĩa hiện sinh. Mỗi cá nhân phải tự trả lời “mình là ai?” và tự chịu trách nhiệm với quyết định tự do của mình. Mà nền tảng cho những điều đó, là phải chân thành với bản thân.