Muôn kiểu bán vé số ở Sài Gòn
Tôi không phải người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng tôi đã sống và làm việc ở đây tính ra cũng được 10 năm tròn. Những điều hoa lệ đất Sài Gòn mang lại thì chắc không cần phải kể ra. Nơi đây người đông đất chật, muôn kiểu kiếm sống khác nhau, tôi không dám chê trách bất cứ ai hay quy chụp một hình thức kiếm sống nào, vì chính tôi cũng thấu hiểu giá trị của mồ hôi nước mắt để kiếm được từng đồng tiền nuôi sống bản thân khó khăn ra sao.
Bài viết này chỉ như một cái nhìn của cá nhân tôi, đối với nghề bán vé số dạo ở Sài Gòn.
Có lẽ không có nơi nào trên đất nước Việt Nam có mật độ người bán vé số cao như Sài Gòn. Công việc của tôi không ngồi trong văn phòng nhưng hay di chuyển thường xuyên, nên hầu như 90% các ngày đi làm tôi đều được ai đó mời mua vé số. Kể từ khi hình thức vé số tự chọn ra đời, tưởng rằng sẽ khiến cho việc bán dạo vé số truyền thống biến mất đi. Nhưng thực tế tôi thấy cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy tới nghề vé số dạo. Họ vẫn tiếp tục bán, vẫn tiếp tục tận dụng chỗ đông người này để kiếm cơm.
Dầu vậy, nghề này bắt đầu có rất nhiều thay đổi về hình thức. Ban đầu chỉ đơn thuần như một nghề dễ làm, chỉ cần chịu khó là được. Thì bây giờ người bán vé số dạo cũng cạnh tranh, cũng cần mưu trí, nhanh nhẹn…để sinh tồn được. Tôi kể ra đây những “hình thức” đó, để chứng minh cho nhận định của mình.
“Nhây” hơn!
Chữ “nhây” thì hơi mang tính mỉa mai, nhưng tôi không nhấn mạnh yếu tố đó. Trừ một số người bán vé số khuyết tật, thì xuất hiện nhiều thanh niên, thiếu niên, tráng niên cũng bán vé số. Cho dù bạn đã từ chối không mua, nhưng bất chấp bạn đã từ chối đến lần thứ 3, người bán vé số dạo sẽ vẫn tiếp tục mời đến lần thứ 4 tùy theo giọng điệu và cách từ chối của bạn dứt khoát hay nhẹ nhàng ra sao. Không biết nói vậy có quá chủ quan không. Nhưng đó là trường hợp tôi rất thường hay gặp. Tính tôi cũng hiền lành, không dám tức giận hay khó chịu gì ai vội vàng, nhưng càng về sau thì tôi có cảm giác như lời từ chối của tôi cần thiết phải dứt khoát hơn thì tôi mới kết thúc được cuộc gặp gỡ để mời gọi đường đột và kéo dài không đáng.
Tôi đôi lúc cũng ủng hộ họ tùy lòng, nhưng tôi không phải là người mua vé số hẳng ngày kiểu như một thói quen. Nên tôi không thể cứ chấp nhận lời mời mua một cách dễ giải mãi mãi được.
Khóc la om sòm
Có lần tôi chở ông anh rể người Hàn Quốc đi công việc. Dừng lại tại một ngã tư, ông anh tôi thấy người phụ nữ hốc hác, mặc hớt ha hớt hải, khóc bù lu bù loa, trên tay cầm tờ vé số cầu xin người dừng đèn đỏ mua vội. Tôi giải thích với ông anh rằng: “vé số này sắp báo kết quả, nên phải bán vội!”.
Thế rồi câu chuyện không dừng lại ở đó, ngay bữa sau nhưng ở một góc đường khác, cũng người phụ nữ tội đó diễn lại y chang màn kịch cũ. Có lẽ ông anh họ người Hàn Quốc của tôi cũng tự hiểu ra mà không cần tôi giải thích thêm lời nào.
Cá nhân tôi không ủng hộ cách bán vé số kiểu đó. Như vậy là lừa gạt và lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác, là cổ xúy cho lối sống tư kỷ. Vậy là không hay.
Giả bại liệt lăn lê ngoài đường
Hiện tường này đã manh nha từ năm 2013 (nếu tôi nhớ không nhầm) và cho đến bây giờ (2019) tôi vẫn còn thỉnh thoảng gặp ngoài đường. Đối tượng này lại không phải người già hay đứng tuổi, càng không phải người tàn tật. Nhưng là thanh niên khỏe mạnh ăn mặc rách rưới rồi giả mạo tàn tật. Họ cố bò vào những chỗ vũng nước, chỗ miệng cống, thậm chí không phải trên vỉa hè mà ngay dưới lòng đường rồi phụ kiện thêm cho mình đèn chớp đỏ báo hiệu trên nón (để người ta thấy mà tránh).
Tôi không biết kiếm sống cách này thì có khá hơn tí nào không nhưng nó “đểu giả” vô cùng. Ở góc nhìn lớn hơn, tôi buồn cho một xã hội người ta coi trọng đồng tiền hơn tất cả những giá trị nhân văn khác. Đáng buồn hơi dù đã hơn 5 năm trôi qua, mà cấp quản lý vẫn chưa loại bỏ được hiện tượng này. Họ còn làm nghĩa là họ thấy vẫn còn lừa người khác được.
Tôi chủ quan đưa ra con số 100% những thanh niên bại liệt lê lết ngoài đường bán vé số, đều là “đóng kịch”.
Nói đến đây, dù biết sẽ ra khỏi chủ đề bán vé số của bài viết, nhưng còn nhiều màn kịch khác ngoài đường phố lợi dụng lòng thương người của người khác, như là: mẹ ôm con nhỏ, con ôm mẹ già, ngồi ăn đồ bẩn…
Sao không tích cực một cách lương thiện
Bên cạnh những kiểu bán vé số gây khó chịu và lừa người mua. Tôi cũng trân quý những người nghèo khổ cố kiếm cái nghề nuôi thân. Cũng có nhiều cách theo xu hướng tích cực để bán được nhiều, từ đơn giản cho đến cầu kỳ. Nhưng miễn sao không quấy rầy ai, không lừa lọc ai thì theo tôi là chính đáng và lương thiện.
Tôi thấy nhiều người đứng vỉa hè cầm sấp vé số vẫy vẫy. Hay cũng có những người tàn tật ngồi xe lăn tay trong bóng râm bán cho người qua lại. Cũng có những người độc đáo hơn như cải trang thành thần tài, hay hóa trang mình thành một hình mẫu lạ mắt nào đó để thu hút người mua.
Không phải ai cũng ấm no với nghề này, theo tôi được biết, thu nhập trung bình của người bán vé số ở Sài Gòn là từ 1,5-3 triệu. Quá ít ỏi để sống được ở chốn bon chen thế này. Nhưng đừng vì thế mà bán rẻ cái lương tâm.