Kinh nghiệm tự học một nhạc cụ bất kỳ
Nếu bạn định học một nhạc cụ nào đó trong cuộc đời mình. Thì hy vọng những chia sẻ sau đây của mình sẽ giúp bạn ít nhiều.
Âm nhạc tự nó ẩn chứa một “quyền lực” nào đó mà chúng ta không diễn tả được. Dẫu rằng bài viết này không phải để ca ngợi sự kỳ diệu của âm nhạc. Nhưng nếu một khi bạn đã muốn tự mình chơi một đoạn nhạc, hoặc tạo ra một giai điệu. Thì hẳn là bạn đã phần nào (hoặc hoàn toàn) bị âm nhạc mê hoặc.
Mình đã tự học chơi piano, guitar, violin, ukulele, sáo. Và mình nhận ra mình không hề có năng khiếu về âm nhạc. Say mê âm nhạc hay yêu âm nhạc là một chuyện. Nhưng sở hữu một năng khiếu âm nhạc lại là chuyện hoàn toàn khác.
Mình viết bài này, không phải dành cho người có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc nói chung. Mà viết cho ai bị âm nhạc “mê hoặc” (như nói trên). Muốn tự mình làm chủ tương đối một nhạc cụ nào đó trong đời. Hoặc ít ra, có thể thỉnh thoảng sử dụng nhạc cụ nào đó để nói lên tiếng lòng của chính bạn.
Vượt qua những rào cản vô lý
Có một dạng câu hỏi thường xuyên được hỏi trên các cộng đồng, kiểu như là “30 tuổi rồi học đàn được không?” “40 tuổi học đàn được không?”.
Vấn đề là, bạn học đàn không phải cho sự thỏa mãn của thể xác, mà là thỏa mãn cho chính tâm hồn của bạn. Những câu hỏi cực kỳ thừa như thế tự nhiên trở thành rào cản vô hình khiến bạn không dám bắt đầu. Con người ta thường vô lý lắm. Họ ca ngợi ông già KFC khởi nghiệp thành công khi tuổi già rồi nói rằng “chẳng bao giờ là quá muộn”. Nhưng nếu nghe ai đó ngỏ ý muốn học đàn ở tuổi 40 thì cho rằng “muộn” rồi. Bạn biết vì sao không? Vì người ta chỉ đề cao những thứ giá trị vật chất (kiếm tiền) hơn là những thứ giá trị tinh thần (chơi đàn).
Bạn đừng quan tâm chuyện học đàn bao nhiêu tuổi. Thà rằng bạn quan tâm tới mức độ khó học của một nhạc cụ thì còn có lý hơn. Chân thành mà nói, cái đích đến của việc học đàn là bạn sẽ chơi tốt một nhạc cụ nào đó. Nhưng thực ra, quá trình học sẽ dạy cho bạn nhiều điều quý giá hơn bạn tưởng.
Rào cản tiếp theo có lẽ là “tiền”. Học phí học đàn một giờ là bao nhiêu? chẳng hạn. Cái này thì cũng có nhiều mức độ. Thậm chí bạn có thể chẳng tốn đồng nào nếu tự học đàn trên Youtube. Còn giá cả các loại nhạc cụ thì cũng không quá đắt. Piano cũng có nhiều loại, guitar hay violin cũng vậy. Sẽ luôn có những mức giá tùy vào khả năng tài chính mỗi người. Nên nó cũng không đáng lo lắm đâu.
Mình lại không cho “thời gian” là một rào cản. Bạn sẽ nôn nóng muốn tới giờ học đàn và luyện tập nhiều hơn mỗi ngày. Còn nếu bạn không có hứng thú đó, thì có lẽ quyết định học đàn của bạn chỉ là chuyện cảm xúc nhất thời. (và điều nguy hiểm hơn, là rất có thể những quyết định khác trong đời bạn không chừng cũng tương tự thế, mọi thứ sẽ chẳng đi đến đâu).
Vậy, phải bắt đầu học đàn như thế nào?
Hãy bắt đầu bằng chính giai điệu đã khiến bạn muốn học đàn!
Thời gian bắt đầu học đàn có thể sẽ “cuồng nhiệt”, nhiều hứng thú! Nhưng thông thường nó sẽ chẳng kéo dài lâu, cho đến khi bạn nhận ra bạn đã cố gắng nhưng không thể nào chơi hay bằng 1/10 người khác.
Kinh nghiệm của mình là bắt đầu với chính cái giai điệu khiến mình “ngẩn ngơ” hoặc khiến mình “say đắm”. Điều này có thể được thực hiện như sau:
- Đơn giản hóa giai điệu lại bằng một sheet nhạc simple, thậm chí chuyển nó về “đô trưởng” hoặc “la thứ” vì bạn chưa quen với âm giai có nhiều thăng giáng bất thường khác trên một nhạc cụ mới.
- Tìm một hướng dẫn căn bản trên youtube dành cho người mới về cách chơi giai điệu đó.
- Liên tục “thưởng thức” giai điệu đó như một cái đích để bạn phấn đấu. Đến mức bạn thuộc nó hay nó tự “vang” trong tâm trí bạn.
Vì sao nên bắt đầu với chính cái giai điệu bạn thích? Mình có vài lý do chia sẻ như sau. Cá nhân mình đã bắt đầu học piano với bài “I – Yiruma”, học violin với “Song from Secret Garden”, hay guitar với một bài thánh ca, …
- Thực ra, có thể bạn sẽ chẳng thành công khi cố chơi giống như người nghệ sĩ đã chơi đoạn nhạc đó. Nhưng cái “đam mê” muốn tự mình thực hiện được giai điệu sẽ buộc bạn đi những “con đường” cần thiết.
- Vì bạn không phải là “thần đồng âm nhạc” hay “năng khiếu vượt trội” hơn người. Nên “con đường” cần thiết ở đây sẽ là những cái khó từng chút một. Ví dụ: Bạn phải luyện chạy ngón, phải luyện đạp pedal, luyện chuyển hợp âm, … tất cả những cái đó trở thành quá trình tiến bộ.
- Cho đến khi bạn bắt đầu chơi được như người nghệ sĩ chơi bài đàn đó. Bạn sẽ bắt đầu hứng thú thuộc lòng nó và mong muốn chinh phục những giai điệu tiếp theo.
- Con đường này chông gai hơn nếu như bạn thậm chí chưa biết tý gì về nhạc lý căn bản. Cá nhân mình, tự mua sách đọc nhạc lý căn bản song song với cố gắng chinh phục cái giai điệu. Mình làm cả 2 cái này cùng lúc. Khi đọc sheet nhạc, không hiểu tới đâu thì tìm hiểu hoặc hỏi tới đó.
- Tham gia vào một cộng đồng học đàn giống bạn. Và up những video bạn tập lên cho họ xem để được góp ý. Trên facebook, những cộng đồng kiểu này không thiếu đâu.
Những giai đoạn sẽ vượt qua khi bạn học đàn
Dù là bạn tự học hay được dạy, thì có thể sẽ trải qua một số giai đoạn sau. Đối với một số trường hợp bạn đam mê đặc biệt và gắn bó với nó như một “lẽ sống”, thì quá trình sẽ khác. Nhưng với một người đi làm bình thường như mình, thì:
- Háo hức: Cái này thì ai mới bắt đầu cũng vậy. Trừ khi bạn bị ép buộc vì lý do đặc biệt nào đó. Bạn sẽ có xu hướng follow nhiều nghệ sĩ, đăng ký nhiều kênh youtube học đàn, tìm mua cây đàn tốt…
- Cảm giác bất lực lần đầu tiên: Đó là khi bạn nhận ra mình chẳng có mấy năng khiếu cả. Một là bạn từ bỏ. Còn nếu vượt qua giai đoạn này, thì buộc bạn đã xác định muốn nghiêm túc chinh phục nhạc cụ này.
- Thực hành và thành công bước đầu: Bạn quyết tâm theo đuổi sẽ đến lúc bạn đạt được những thành công bước đầu. Bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi nhìn vào sheet nhạc để thể hiện nó trên nhạc cụ. Những ngón tay của bạn cũng uyển chuyển hơn trước. Có thể sẽ mất 1,5 ~ 2 năm để đến giai đoạn này.
- Tự tin làm chủ nhạc cụ và những kỹ thuật đi kèm với nó: Có thể bạn sẽ mất 5 ~ 10 năm tùy vào cường độ luyện tập. Đến lúc này mọi người sẽ trầm trồ khả năng của bạn. Bạn thậm chí đã có thể biểu diễn với band hoặc kiếm tiền bằng cách dạy cho người khác (thu nhập cũng khá lắm nhé. Tầm 20 ~ 40 triệu/tháng tùy nhạc cụ).
- Cảm thấy như bạn không thể tiến bộ hơn được nữa: quá trình này sẽ kéo rất dài. Thậm chí có thể đến cuối đời nếu như bạn không có đột phá gì hơn cả. Bạn sẽ không còn những háo hức như ban đầu nữa. Việc chơi nhạc không còn quyến rũ như cô gái/chàng trai lần đầu bạn để ý.
- Vượt trội đặc biệt: giai đoạn này mình bỏ ngỏ. Không biết nói gì. Mình cũng chưa đạt tới. Nhưng nó đến khi bạn vượt qua giai đoạn 5. Và bạn không muốn mình cứ mãi dừng lại với trình độ đó. Có thể sẽ xuất hiện một yếu tố nào đó làm “cú hích” để bạn tiếp tục đòi hỏi mình phải giỏi hơn nữa.
- Trở thành “huyền thoại”: trong thời đại này, với sự dễ dàng của truyền thông. Một người chơi nhạc cụ giỏi sẽ rất dễ nổi tiếng. Bạn sẽ sở hữu những kỹ năng nhạc cụ mà hiếm người có được. Chơi những bài nhạc với kỹ thuật cực “đơn giản” nhưng hiếm ai chơi hay bằng. Âm nhạc trở thành “lẽ sống” của bạn, niềm đam mê tột độ của bạn. Bạn tạo ra “trường phái” của riêng mình và phát triển nó.
Bạn đang ở giai đoạn nào?
Tạm kết
Không đòi hỏi bạn cứ phải đến giai đoạn 7 mới gọi là thành công. Bạn chỉ là một nhân viên làm công ăn lương. Một ông chủ/bà chủ cửa tiệm riêng. Và âm nhạc khiến cho tâm hồn bạn trở nên phong phú, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của riêng mình. Thì hoàn toàn có thể bắt đầu.
Có rất nhiều cái hay ho trong lúc luyện nhạc. Như một cách để bạn quen với việc đương đầu với những “cái khó” một để nhìn thấy sự tiến bộ của cả một quá trình. Một trải nghiệm vô cùng cần thiết trong cuộc sống.