Tôn giáo sau đại dịch sẽ thế nào?
Trong những lúc đại dịch toàn cầu như thế này, niềm tin tôn giáo có ảnh hưởng đến bạn không?
Bài viết này không phê phán bất cứ một tôn giáo nào, chỉ đề cập đến thái độ của người ta đối với niềm tin tôn giáo nói chung. Và đưa ra vài dự đoán về tôn giáo sau đại dịch.
Dự đoán về sự bùng nổ các hoạt động tôn giáo sau đại dịch
Việt Nam là một dân tộc “sùng đạo”. Người Việt Nam nói chung đa phần đều tin vào sự hiện diện của những thế lực tâm linh mạnh mẽ có ảnh hưởng và chi phối thế giới thực. Họ đem niềm tin đó vào trong chính cuộc sống của mình. Đôi khi nó mang màu sắc mê tín, đôi khi nó ảnh hưởng rất tích cực cho xã hội.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, rất nhiều những hoạt động tôn giáo phải ngưng lại. Nhiều tín đồ nghe giảng trên các kênh trực tuyến như Facebook, Youtube… Tưởng rằng sự thay đổi đó sẽ khiến cho niềm tin của họ bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng thực tế thì lại không.
Họ trông chờ sự qua đi nhanh chóng của đại dịch để lại được tụ tập mà cầu nguyện, cầu an. Họ trở nên quý giá việc đi đến các đền chùa, nhà thờ để thực hiện các lễ nghi – mà trước đây họ đôi khi xem nhẹ.
Chính vì điều đó, dự đoán sẽ có sự bùng nổ các hoạt động tôn giáo sau đại dịch. Có thể đó sẽ là những nghi lễ cảm tạ, cầu hòa bình, cầu an lành, cúng bái. Những hoạt động này sẽ tổ chức rầm rộ khắp cả nước trên tất cả các tổ chức tôn giáo khác nhau.
Sự gia tăng các hoạt động tôn giáo trực tuyến
Có những cơ sở tôn giáo hiếm khi nào sử dụng những công cụ hay phần mềm livestream để duy trì các sinh hoạt tôn giáo của mình. Nhưng đại dịch đã “ép” họ phải làm điều đó. Khi đại dịch qua đi, những hoạt động trực tuyến đó liệu sẽ dừng lại?
Câu trả lời chắc chắn là không.
Nhiều cơ sở tôn giáo vừa khám phá một cách mới để “truyền đạo” hay là tác động sâu rộng hơn đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì thậm chí phát triển những hoạt động trực tuyến đó. Có thể sau đại dịch, bạn sẽ tiếp tục thấy những livestream, những trang mạng xã hội về tôn giáo hoạt động tích cực hơn trước.
Tuy nhiên, mạng xã hội là một nơi khá tự do và mang tính công cộng. Việc gia tăng các hoạt động tôn giáo theo kiểu trực tuyến này cũng sẽ dấy lên nhiều “drama”, những tranh luận về giáo lý, những chống đối về niềm tin lẫn nhau sẽ xuất hiện nhiều hơn, và lần này là xuất hiện một cách công khau.
Số lượng tín đồ của các tôn giáo sẽ đông hơn
Có rất nhiều tín đồ chỉ trên danh nghĩa. Họ chưa từng nghĩ đến việc cầu nguyện, cầu an trước đại dịch. Nhưng lúc này họ lần đầu tiên làm điều đó.
Cũng sẽ có những người thờ ơ với niềm tin tôn giáo, nhưng trong bối cảnh của nhiều lo sợ và khó khăn về kinh tế. Họ bắt đầu có xu hướng tìm kiếm một sự trợ giúp tâm linh. Chính phản ứng tìm kiếm sự hỗ trợ mang tính chất tâm linh đó, khiến họ bắt đầu tự khẳng định họ có niềm tin vào một tôn giáo nào đó. Đây là một chuyển biến khiến cho số tín đồ của các tôn giáo sẽ tăng lên nhanh chóng.
Cùng với đó là sự gia tăng các hoạt động tụ tập và các hoạt động tôn giáo trực tuyến, những tín đồ mới này sẽ có nhiều cơ hội thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Họ trở nên không còn là người thờ ơ với tôn giáo nữa.
Sự chống đối và tranh cãi giữa các tôn giáo sẽ mạnh mẽ hơn
Đây có thể là điều đáng lo ngại nhất.
Hãy thử kết hợp những dự đoán trên, bạn sẽ nhận ra dù bạn là người vô thần hay có niềm tin tôn giáo cụ thể, bạn cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng ít nhiều.
Nếu những chống đối và tranh cãi giữa các tôn giáo chỉ diễn ra trong cộng đồng riêng của mỗi tôn giáo. Thì sau đại dịch, với những bùng nổ về hoạt động và số lượng tín đồ cũng như các phương tiện trực tuyến, những tranh cãi này sẽ công khai và dữ dội hơn trước. Điều này có thể để lại nhiều hệ lụy tiêu cực.
Tiêu cực ở chỗ, những người theo tôn giáo sẽ bị bắt đầu bị lạc hướng trong niềm tin của mình, từ chỗ lựa chọn một lẽ sống của bản thân cho đến chỗ so sánh hơn thua với người theo tôn giáo khác.
Tạm kết
Dù bạn là người có theo tôn giáo hay không (đó là quyền tự do của bạn), thì bạn cũng nên chuẩn bị tâm thế cho những thay đổi trước mắt trong xã hội. Trong suốt dòng lịch sử con người, những bước ngoặc lớn của nhân loại đều ra từ những chuyển biến lớn trong niềm tin tôn giáo.