“Sợ tới già” với hình phạt đánh bằng roi mây – Có nên áp dụng ở Việt Nam
Xin chào các bạn.
Tôi thừa nhận mình không phải là một chuyên gia trong việc nghiên cứu soạn thảo và ban hành luật lệ. Tôi chỉ đứng ở góc nhìn của một cá nhân đã nhìn thấy rất nhiều điều xấu xa đang từng ngày gia tăng ngay xung quanh mình. Và cũng như mọi người dân khác, tôi mong ước bằng cách nào đó, dù ít hay nhiều cũng được, miễn sao hạn chế được những tội ác ở khắp nơi. Để không còn cái cảnh mỗi ngày mở báo, chỉ toàn là những tin cưỡng hiếp, trộm cắp và đủ loại tệ nạn khác nhau nhan nhảng, có muốn né tránh cũng không tài nào né tránh được.
Hôm nay, tôi mạo muội đưa ra một đề xuất mang tính chủ quan. Nhưng tôi cho rằng nó sẽ đạt hiệu quả cao nếu được áp dụng ở đất nước ta. Dĩ nhiên tôi biết, đây chỉ là ý kiến cá nhân, nên sẽ có phần phiến diện trong góc nhìn của tôi, mong nhận được góp ý và phản biện tích cực của các bạn.
Đề xuất của tôi đó là: ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐÁNH PHẠT BẰNG ROI MÂY CHO CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI Ở VIỆT NAM.
Có lẽ bạn sẽ cảm thấy không xa lạ mấy với biện pháp này, nếu bạn đã từng nghe hoặc từng đi du lịch đến các quốc gia như Singapore, bạn sẽ thấy đến ngày nay họ vẫn còn sử dụng hình phạt roi mây cho những người vi phạm một số luật.
Ở đây, tôi xin đặt ra một câu hỏi lựa chọn: Giữa việc phạt tù, phạt tiền và hình phạt kết hợp với việc đánh bằng roi mây, thì phương án nào sẽ có sức răn đe và gây nản chí ý đồ phạm tội từ ngay từ trong tâm trí?
Tôi cho rằng, ĐÁNH BẰNG ROI MÂY SẼ PHÁT HUY HIỆU QUẢ TỐT HƠN VÀ MANG TÍNH RĂN ĐE CAO HƠN.
Như đã nói, tôi đề xuất điều này không phải ở góc nhìn của một nhà lập pháp, chỉ là đề xuất cá nhân, và nếu như có có trở thành sự thật, thì tôi biết chính mình cũng phải là người thượng tôn pháp luật.
Tiếp tục đề xuất của mình, tôi xin phép nêu ra những lý do cho thấy vì sao hình phạt đánh bằng roi mây có sức răn đe mạnh mẽ hơn rất nhiều so với chỉ phạt tù hoặc tiền.
Nhưng trước hết, tôi xin giới thiệu qua một số tìm hiểu của mình về hình phạt đánh bằng roi mây, để những bạn lần đầu nghe qua, hình dung được mức độ và tính hiệu quả của nó ở một số quốc gia.
Những tội nào thì nên áp dụng hình phạt đánh bằng roi mây?
Tùy theo mỗi quốc gia chấp nhận áp dụng, mà sẽ áp dụng cho những tội danh khác nhau. Riêng ở Singapore, Hơn 40 tội danh ở bắt buộc đi kèm phạt roi, bao gồm: phá hoại của công (vẽ bậy), hiếp dâm, kinh doanh dịch vụ cho vay tiền không có giấy phép, trộm cắp tài sản có chuẩn bị trước, cướp tài sản, tàng trữ vũ khí nguy hiểm, bán ma túy, buôn bán nhập khẩu pháo hoa… Nam giới nhập cư trái phép vào Singapore hoặc ở quá hạn thị thực hơn 90 ngày cũng bị phạt ít nhất ba roi.
Năm 2010, Bất chấp lời thỉnh cầu khoan hồng của Tổng thống Bill Clinton, Singapore nhất định “dạy” cậu thanh niên người Mỹ 18 tuổi, Michael Fay, bằng 4 nhát roi mây oằn người vì tội phá hoại tài sản người khác.
Gần đây, dư luận xôn xao trường hợp, một người đàn ông Cưỡng hôn, sờ soạng một cô gái 20 tuổi trong thang máy, nhưng chỉ bị xử phạt 200 ngàn đồng. Nếu luật này được áp dụng, có thể hình phạt không chỉ bao gồm tiền và tù giam, mà còn đi kèm với ít nhất 20 roi.
Bị phạt đánh bằng roi mây, sẽ đau đớn cỡ nào?
Chắc chắn sẽ vô cùng đau đớn. Vết thẹo có thể sẽ phải theo bạn suốt quãng đời còn lại.
Loại roi dùng để xử phạt được làm từ cây mây, quy cách của roi phạt được pháp luật quy định rõ. Đối với nam giới trưởng thành, cây roi dài 1,2 m, tiết diện 1,3 cm. Đối với người dưới 16 tuổi, người ta dùng loại roi mây nhỏ hơn và nhẹ hơn.
Trước khi xử phạt, roi mây sẽ được ngâm qua đêm trong nước để tăng độ dẻo, tránh bị rạn nứt trong quá trình sử dụng và không để lại dằm trên da, được bôi thuốc sát khuẩn để không làm vết thương nhiễm trùng.
Người đánh roi phải là người khỏe mạnh, được đào tạo chuyên biệt để cú đánh gây đau đớn nhất có thể mà không để lại thương tật vĩnh viễn. Cú quất roi có thể đạt tới tốc độ 160 km/h và tác động một lực mạnh ít nhất 90 kg.
Theo điều 330 Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, hình phạt đánh roi sẽ không được tiến hành nếu không có cán bộ y tế có mặt tại hiện trường để kiểm tra trạng thái sức khỏe trước, trong và sau khi phạt. Cán bộ y tế có thể ngừng hình phạt bất cứ lúc nào nếu người bị phạt không đủ khỏe mạnh.
Khi tiến hành phạt roi, tù nhân phải cởi hết quần áo, nằm cúi người trên chiếc giá chuyên dụng, để lộ phần mông. Chân và tay được cột chặt bằng dây da vì người chịu phạt thường rung lắc dữ dội sau mỗi roi. Phần cơ thể quanh hông được bọc tấm đệm hoặc gối để bảo vệ thận trong trường hợp cây roi đánh sai vùng.
Sau đó, cán bộ quất roi vào tư thế, cách giá đỡ khoảng 1,5 m, không được quá xa cũng không quá gần để đảm bảo ngọn roi rơi đúng điểm, giúp tác động toàn phần lực đánh. Mỗi roi được thực hiện cách nhau khoảng 30 giây, đôi khi sẽ có hai cán bộ thay phiên nhau để đảm bảo mỗi roi được đánh ra với lực đánh tối đa. Thông thường, phần mông sẽ bật máu chỉ sau ba roi đầu.
Nên đánh bao nhiêu roi thì được?
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, người bị đánh chỉ phải chịu tối đa 24 roi trong một lần đánh. Tuy vậy, một người vẫn có thể bị phạt hơn 24 roi nếu anh ta bị kết tội trong nhiều phiên xét xử khác nhau và bản án được thực thi riêng biệt. Với nam giới dưới 18 tuổi, số roi tối đa là 10. Người chịu án tử hình sẽ không bị phạt roi.
Vì sao hình phạt này có tính răn đe hiệu quả?
Tôi xin phép nêu ra một vài lý do như sau:.
Thứ nhất, đối với đa phần nhiều người, sự đau đớn thân thể đáng sợ hơn sự mất mát tiền bạc và thời gian. Cá nhân tôi cũng vậy, tôi có thể sẵn sàng nộp phạt 500$ hoặc ở tù 12 tháng nếu phạm tội, nhưng khi nghĩ đến bị phạt 3 roi khiến bật máu, cũng đủ làm tôi nhục chí khi có ý định làm điều xấu. Có thể vì tôi không giỏi chịu đau, nhưng tôi nghĩ dù ai đó cứng rắn thế nào đi nữa, thì vẫn còn một lý do tiếp theo.
Đó là sự xấu hỗ có thể theo họ suốt đời cùng với vết thẹo trên mông. Sự xấu hỗ sẽ bắt đầu từ việc họ la hét và bật khóc trước những bạn đồng phạm, sẽ kéo dài trong những ngày vết thương còn ê ẩm, và tiếp tục nhắc lại điều sai trái họ đã làm bằng vết thẹo mang theo suốt đời.
HÌnh phạt đánh bằng roi có vô nhân tính không?
Tôi cho rằng không.
Việc đánh bằng roi vào mông và có sự giám sát của chuyên viên y tế sẽ không thể cướp đi mạng sống của họ. Thậm chí trước khi phạt, người vi phạm còn được kiểm tra sức khỏe đầy đủ. Chân thành mà nói, tôi ủng hộ việc cha mẹ dùng tình thương đánh bằng roi vào mông con cái hư hỏng từ lúc bé, dĩ nhiên là đánh vì thương con chứ không phải vì muốn trả thù con cái. Như vậy sẽ có hiệu quả giáo dục rất cao đến suốt đời.
Ở khía cạnh pháp luật, tôi nghĩ nó cũng sẽ phát huy hiệu quả tương tự. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu từng phát biểu vào năm 1966 với đại ý rằng nếu biết sẽ bị đánh roi đau đớn, người phạm tội sẽ nhụt chí vì không lấy gì làm tự hào khi phải trải qua chuyện đáng xấu hổ như vậy.
Gần đây tôi thấy có rất nhiều vụ cưỡng hiếp xảy ra ở khắp mọi nơi, có cảm trộm cướp và nhiều tệ nạn khác. Biết đâu, khi thay đổi hình thức xử phạt, những tệ nạn này sẽ phần nào đó trở nên giảm thiểu, sự nghiêm minh của pháp luật sẽ được bày tỏ rõ ràng hơn.
Các bạn nghĩ sao?