10 cuộc thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc
Nhiều người ở Trung Quốc cho rằng đất nước của họ đã trải qua 4.000 năm lịch sử, trong thực tế, bằng chứng mới cho thấy nền văn minh Trung Quốc thậm chí có thể lâu đời hơn thế.
Đối với những người phương Tây, lịch sử Trung Quốc chưa được biết đến hoàn toàn hoặc chỉ được xác định một cách mơ hồ. Trong nhiều khóa học văn minh phương Tây bắt buộc, các giáo sư thích nói đùa rằng lịch sử phương Tây là một chuỗi các cuộc chiến tranh và thảm sát bất tận. Khi bạn được học những giáo sư thẳng thắn như vậy, họ sẽ sẵn sàng thừa nhận rằng nền văn minh phương Đông cũng không khác gì, đặc biệt là với Trung Quốc.
Trong hàng ngàn năm của nền văn minh đó, Trung Quốc đã trở thành hiện trường của hàng loạt những cuộc diệt chủng tắm trong máu. Một số trong số này là do các cuộc xâm lược bên ngoài, một số khác là kết quả của các cuộc nội chiến liên quan đến chính trị. Dù sao đi chăng nữa, các sự kiện sau đây đã tàn sát hàng loạt người dân ở quy mô chưa từng có, thậm chí sánh với nỗi kinh hoàng của Thế chiến thứ II. Một số trong đó thậm chí vượt quá số lượng người chết dưới thời của Bolshevik, Joseph Stalin và Adolf Hitler.
10. Sự kiện ngày 28 tháng 1
Từ lâu trước khi xe tăng của Hitler chạy ầm ầm qua biên giới vào Ba Lan, binh lính, tàu và máy bay của Nhật Bản đã gây áp lực với Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Trung Quốc gần như không thể tự bảo vệ mình. Sau cuộc cách mạng năm 1911-1912, triều đại nhà Thanh đã bị rạn nứt và bị kiểm soát bởi nhiều lãnh chúa khác nhau.
Ngay cả sau khi cuộc Bắc phạt năm 1927 thành công, Trung Quốc Quốc dân Đảng và Quốc dân Cách mệnh Quân (NRA) chỉ còn nắm giữ bờ biển. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn là sau khi Trung Quốc Quốc dân Đảng tiếp quản Thượng Hải, các cuộc tấn công bạo lực chống lại cộng sản đã dẫn đến nội chiến Trung Quốc và không thể chấm dứt cho đến khi Mao nắm quyền lực vào năm 1949.
Ở vị trí tốt nhất để khai thác quyền lực trong tình hình này là Nhật Bản. Đế quốc Nhật Bản đã mở rộng sang Mãn Châu từ năm 1895, sau chiến thắng của Nhật Bản trước nhà Thanh, Nhật Bản đã giành được một số quyền nhất định trong khu vực. Đạo quân Quan Đông (thuộc Lục quân Đế quốc Nhật Bản) thành lập ở Mãn Châu, sau khi Nhật Bản đánh bại Đế quốc Nga năm 1905, lại muốn có thêm đất đai của Trung Quốc.
Quân Quan Đông gần như độc lập với Tokyo và có đầy đủ các sĩ quan cấp dưới thuộc Hoàng Đạo phái (Imperial Way Faction). Họ tin vào việc lật đổ chính trị quốc hội ở Nhật Bản để tạo ra một đế chế Nhật Bản rộng lớn được cai trị bởi một hoàng đế chuyên quyền. Vào tháng 9 năm 1931, một vụ đánh bom trên đường sắt thuộc sở hữu của Nhật Bản đã mang lại lý do cần thiết cho quân Quan Đông để chiếm toàn bộ Mãn Châu và tuyên bố đây là nhà nước thân Nhật, sau đó là Đại Mãn Châu.
Vào ngày 28 tháng 1 năm 1932, một sự kiện khác đưa Nhật Bản và Trung Quốc Quốc dân Đảng đến bờ vực chiến sự nổ ra. Sau khi quân Quan Đông tiếp quản Mãn Châu, công dân Trung Quốc bắt đầu tẩy chay tất cả hàng hóa Nhật Bản. Đáp trả, binh lính và thủy thủ Nhật Bản lập tức được điều đến Thượng Hải – cảng quan trọng nhất ở châu Á và là thành phố lớn nhất ở Trung Quốc – để chính thức bảo vệ cuộc sống và tài sản của Nhật Bản.
Vào rạng sáng ngày 28, con tàu Notoro của Nhật Bản đã phóng những chiếc thủy phi cơ tới Thượng Hải để che khuất một cuộc đổ bộ của Lực lượng đổ bộ Hải quân đặc chủng (SNLF). SNLF sớm bắt đầu cuộc giao tranh với Quân đoàn 19 của NRA.
Ngày hôm sau, thậm chí nhiều thủy phi cơ hơn đã bay qua Thượng Hải. Họ được lệnh ném bom các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên do thời tiết xấu, các máy bay của Nhật Bản đã ném trúng các mục tiêu dân sự. Nhà sử học đáng kính Barbara Tuchman sau này đã mô tả sự kiện này là vụ đánh bom khủng bố đầu tiên trên thế giới, điều đó có nghĩa là Tuchman tin rằng Nhật Bản đã cố tình nhắm vào thường dân Thượng Hải.
Tuchman và các học giả khác đã ước tính số người chết lên tới 10.000 đến 20.000 dân thường Trung Quốc. Các nhà sử học khác đã nghi ngờ về những con số này. Họ đã lưu ý rằng những chiếc máy bay được sử dụng trong trận chiến, chiếc E1Y, chỉ mang theo 200 kg bom (441 lb) và có một khẩu súng máy 7,7mm đơn, do đó khó có thể tin rằng chúng có thể gây ra mức độ thiệt hại đó.
Dù sự thật có là gì, không có ai thắc mắc về việc hàng ngàn thường dân Thượng Hải đã chết trong cuộc chiến không được công bố đó. Các cuộc tấn công của Nhật Bản vào Thượng Hải xảy ra cho đến tháng 2, nhưng SNLF tiếp tục bị phá hủy bởi Quân đoàn 19.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã kết thúc vào ngày 1 tháng 3 năm 1932, khi SNLF đánh bại kẻ thù Trung Quốc của họ. Một lệnh ngừng bắn đã được tuyên bố, Thượng Hải đã phi quân sự (trừ các lực lượng Nhật Bản và phương Tây), và Đại Mãn Châu được bảo đảm. [tham khảo]
9. Diệt chủng bộ tộc Dzungar
Nhiều nơi của Trung Quốc ngày nay, đã từng chứng kiến những cuộc đổ máu thảm khốc như ở tỉnh Tân Cương xa xôi phía Tây. Ngày nay, toàn tỉnh là nơi tọa lạc các trại tập trung của nhà nước đã từng được thiết kế để thanh trừng đa số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh cũng đang sử dụng một “sự diệt chủng âm thầm” thay thế nhân khẩu học để làm cho Tân Cương ít người Hồi giáo và người Turkic (người Đột Quyết) hơn và nhiều người Hán hơn. Đến năm 2010, người Duy Ngô Nhĩ chiếm chưa đến 50% tổng dân số, trong khi dân số Hán đã tăng đáng kể từ những năm 1990.Nhà nước Trung Quốc, ngay cả khi không bị dân tộc Hán kiểm soát, vẫn luôn tìm cách khiến Tân Cương phải quy phục. Điều này đã được thực hiện không chỉ để mở rộng sự kiểm soát của triều đình và tăng doanh thu thuế mà còn để từ chối quyền sỡ hữu của Nga ở Trung Á.
Vào thế kỷ 17, quyền lực lớn nhất ở Tân Cương là Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ, (hay còn gọi là hay Hãn quốc Zunghar) một quốc gia được cai trị bởi một liên bang của các bộ lạc Mông Cổ du mục. Ở thời đỉnh cao của Hãn quốc, các lãnh chúa Dzungar đạt hiệp định thương mại với Nga, tạo một liên minh với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng, và thiết lập một bộ luật (“Great Code of the Forty and the Four”) chỉ áp dụng đối với Phật giáo dân tộc Mông Cổ.
Các tín đồ phật giáo người Dzungar bắt đầu gây khó chịu cho triều đại nhà Thanh khi họ xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1717, đòi hỏi một đội quân nhà Thanh phải đáp trả. Năm 1720, Hoàng đế Khang Hy đã gửi một đội quân lớn để trục xuất những người Dzungar còn lại khỏi Tây Tạng. Người Tây Tạng chào đón nhà Thanh như những vị cứu tinh, trong khi nhà Thanh lập Kelzang Gyatso là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy.
Lo rằng người Dzungar sẽ một lần nữa tiến vào hoặc Tây Tạng hoặc một trong những tỉnh đang bị cô lập ở phía Tây, hoàng đế Càn Long gửi rất nhiều quân vào lãnh thổ Dzungar với hy vọng chinh phục Hãn quốc. Điều này đã đạt được vào năm 1757 nhờ sự kết hợp giữa đội quân kỵ binh Mãn Châu và Mông Cổ. Hoàng tử Amursana, hoàng tử Dzungar cuối cùng , đã phải ẩn náu ở Nga.
Cuộc chinh phạt và bình định của nhà Thanh đã xóa sổ 80% tổng dân số của Dzungar. Con số người tử vong lên đến 480.000 đến 500.000. 20% người Dzungar còn lại bị buộc làm nô lệ, trong khi đất đai của Hãn quốc trước đây, thì được định cư bởi người di cư Mãn Châu, Mông Cổ và Hán. [tham khảo]8. Những cuộc nội chiến của lãnh chúa
Như đã đề cập, thời kỳ lãnh chúa là thời kỳ bất ổn lớn ở Trung Quốc. Đó cũng là thời gian của những cuộc chiến không hồi kết của “bọn” lãnh chúa – những người đấu đá với nhau liên tục để giành tiền, đất đai và uy tín. Những cuộc chiến này bao gồm Chiến tranh Zhili -Anhui năm 1920 – chính là cuộc đọ sức giữa phe Zhili (Trực Lệ) của tỉnh Hà Bắc chống lại phe Anhui (An Huy) của tỉnh An Huy.
Đây là cuộc chiến đầu tiên của các lãnh chúa và bắt đầu khi Anhui tấn công Zhili vào ngày 14 tháng 7 năm 1920. Toàn bộ mục đích của việc này là để giành quyền kiểm soát chính phủ ở Bắc Kinh. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ của quân đội Nhật Bản, An Huy cuối cùng rơi vào tay lực lượng kết hợp giữa Zhili và Fengtian (Phụng Hệ) và họ cũng thâu tóm được Bắc Kinh vào ngày 19. Tổng cộng, khoảng 35.000 binh sĩ thiệt mạng trong trận chiến.
Lệnh ngừng bắn được duy trì một thời gian ngắn rồi bè phái Zhili và Fengtian cũng lại gây chiến với nhau vào năm 1922 và 1924. Lực lượng Fengtian (có trụ sở ở tỉnh Liêu Ninh ngày nay) đã giành chiến thắng trong cuộc chiến thứ hai nhờ sự hỗ trợ của Nhật Bản cũng như lính đánh thuê những “người Nga trắng” (White Russian) Konstantin Petrovich chỉ huy.
Xung đột Zhili – Fengtian đã giết chết hàng chục ngàn, nếu không nói là hàng trăm ngàn binh sĩ. Một cuộc xung đột sau đó được gọi là Chiến tranh chống Fengtian đã chứng kiến sự xuất hiện sớm của Quốc dân đảng (Kuomintang), họ cố gắng lật đổ chính quyền Fengtian ở Bắc Kinh với sự hỗ trợ của Liên Xô.Phe Fengtian, với sự hỗ trợ về vật chất, tài chính và quân sự từ Nhật Bản, các tình nguyện viên người Nga trắng (White Russian) và cả phe Zhili, đã xoay sở để giành chiến thắng. Cuộc chiến kéo dài từ năm 1926 đến năm 1927 không chỉ làm suy yếu các đội quân lãnh chúa mà còn làm tăng sự ngờ vực trong dân chúng Trung Quốc.
Ngoài ra, chính họ cũng từ chối giúp đỡ các lãnh chúa với nhau. Trong khi một số người đã chứng minh năng lực cai quản xuất sắc (ví dụ điển hình nhất là Diêm Tích Sơn của Quốc Dân Đảng), hầu hết đều là những kẻ đa nghi và bạo lực, kiếm tiền bằng cách bóc lột người dân khốn khổ. Hầu hết các lãnh chúa đã từng là kẻ cướp trước khi trở thành lính, và do đó, phạm tội là điều bình thường đối với họ.
Phùng Ngọc Tường, Lãnh chúa Cơ đốc giáo đã công khai chống lại ma túy rồi đồng thời cũng kiếm thu nhập hàng năm tới 20 triệu đô tiền thuế liên quan đến thuốc phiện. Lãnh chúa Hồi giáo Ma Hongkui của tỉnh Ninh Hạ là một trong những tướng lĩnh vĩ đại nhất của Trung Quốc nhưng cũng là một tên bạo chúa.
Sau khi trở thành thống đốc của Ninh Hạ năm 1932, Ma đã thực hiện lệnh một cuộc hành quyết mỗi ngày. Một trong những động thái đầu tiên của ông với tư cách là thống đốc là chặt đầu 300 tên cướp. Chủ nghĩa chống Cộng mạnh mẽ của Ma khiến cho những người cộng sản và những người bị nghi ngờ là cộng sản ở Ninh Hạ thường xuyên thương vong.
Tuy nhiên, vị tướng lãnh chúa tráo trở và hèn hạ nhất là Trương Tông Xương (hay còn gọi là Tướng quân thịt chó). Có trụ sở tại tỉnh ven biển giàu có của Sơn Đông, quân đội của Trương, giống như tất cả các quân đội ở Trung Quốc – kiếm tiền từ thuốc phiện và buộc phụ nữ làm gái mại dâm. Tuy nhiên, ông đã rất xuất sắc trong thương mại và được tạp chí Time mệnh danh là lãnh chúa điển hình nhất của Trung Quốc.
Trương (Zhang) khét tiếng là một kẻ dâm đãng. Trong thời kỳ nắm quyền, ông có 30 đến 50 phi tần, đến từ mọi nơi – Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp và Hoa Kỳ. Ngoài việc là một kẻ ăn chơi không ngừng khoe khoang về kích thước dương vật của mình cũng như là một kẻ nghiện cờ bạc và nghiện thuốc phiện đầy tai tiếng, Zhang còn là một nhà thơ với bài thơ thảm họa rất nổi tiếng kết thúc bằng câu “Rồi ta sẽ khiến “khẩu súng” của mình nã thẳng vào mẹ ngươi.” [tham khảo]
7. Cuộc nổi loạn của Panthay
Panthay là tên gọi nhóm người Hoa Hồi giáo sống ở Myanmar. Một số người gọi Panthay là nhóm người Hồi giáo Trung Quốc lâu đời nhất ở Myanmar. Cuộc chiến của Trung Quốc chống lại quân nổi dậy Hồi giáo không có gì xa lạ. Trở lại thời kỳ triều đại Mãn Thanh, Bắc Kinh liên tục ở trong cuộc chiến tranh với quân đội Hồi giáo, nguyên nhân vốn bắt nguồn từ cả bên trong Trung Quốc và bên ngoài biên giới Trung Quốc. Giữa năm 1856 và 1873, một cuộc nổi dậy lớn của người Hồi giáo ở tỉnh Vân Nam buộc nhà Thanh phải dẹp bỏ bằng vũ lực .
Theo nhà sử học David G. Atwill, lời giải thích cho rằng cuộc nổi dậy xảy ra vì người Hán căm ghét người Hồi giáo là không hoàn toàn chính xác. Thay vào đó, những gì người Trung Quốc biết là cuộc nổi dậy của Du Wenxiu khởi đầu như một cuộc biểu tình kinh tế xã hội chống lại sự can thiệp thái quá của nhà Thanh.
Đặc biệt, giữa những năm 1775 và 1850, người Hán di cư tới Vân Nam đã chứng kiến dân số của tỉnh tăng từ 4.000.000 tới 10.000.000. Cuộc di cư này đã gây ra một cuộc xung đột văn hóa gay gắt giữa người Hán và người Hui (người Trung Quốc theo đạo Hồi), dẫn đến suy thoái môi trường và nỗ lực của nhà Thanh nhằm thiết lập sự kiểm soát trực tiếp đối với Vân Nam bất thành. [tham khảo]
Theo Atwill, cuộc nổi loạn bắt đầu khi xã hội người Hán và chủ đất Hán bắt đầu nhắm mục tiêu là các ông dân người Hui trong những cuộc bạo loạn trong các thành phố. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo như Ma Dexin, Ma Rulong và Du Wenxin đã thành lập các nhóm dân quân để trả thù cho những người Hồi giáo bỏ mạng trong những cuộc bạo loạn này. Nhưng quân đội của họ sau đó đã trở thành các phong trào đa sắc tộc nhằm chiến đấu chống lại chính quyền nhà Thanh.
Du (còn gọi là Sultan Sulayman) sau đó đã trở thành điểm tập hợp cho một phong trào độc lập. Du nhận được vũ khí và sự khích lệ từ các quan chức Ấn Độ thuộc Anh tại Miến Điện, trong khi nhà Thanh nhận được sự hỗ trợ từ các quan chức Pháp ở Bắc Kỳ (tức miền bắc Việt Nam thời Pháp thuộc).
Nhà Thanh đã đập tan cuộc nổi loạn và trừng phạt tàn nhẫn những kẻ tham gia. Hàng triệu người Hồi giáo và những người nhập cư Vân Nam khác đã tràn vào bang Shan của Miến Điện thuộc Anh. Nhiều người trong số những người nhập cư này sau đó sẽ trở thành động lực và cũng là người gây ra những vụ buôn bán ma túy. Những kẻ nổi loạn không đầu hàng nhà Thanh thì bị xử tử. Tất cả đã cho thấy, khoảng một triệu phiến quân Hồi giáo và thường dân không theo đạo Hồi đã chết. Nhà Thanh cũng thiệt hại khoảng một triệu quân.
6. Cuộc nổi dậy của người Dungan
Trong khi những người Hồi giáo ở tỉnh Vân Nam đang nổi dậy thì những người Hồi giáo ở các tỉnh miền trung và miền tây của Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ và Tân Cương cũng đã nổi dậy chống lại nhà Thanh. Từ năm 1862 đến 1877, quân đội nhà Thanh, người Hán bản địa và người Hồi giáo ở khắp nơi đã gây chiến với nhau trên khắp Trung Quốc với những nguyên nhân hết sức lố bịch.
Vào năm 1862, một cuộc tranh cãi nảy ra giữa một thương nhân người Hán và một khách hàng người Hồi giáo. Khi khách hàng từ chối trả toàn bộ giá mà thương nhân yêu cầu, hai nhóm bắt đầu đánh nhau. Không rõ những gì xảy ra ngay sau đó nhưng vào năm đó, người Hồi giáo ở bờ tây sông Hoàng Hà ở các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ đã tuyên bố họ là một quốc gia Hồi giáo độc lập . Cùng lúc đó, người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ ở Tân Cương đã nổ ra cuộc nổi loạn chống lại Bắc Kinh. Năm 1864, thủ phủ của tỉnh là Urumqi đã về tay quân phe nổi dậy.
Cũng như tất cả các cuộc xung đột trong thời đại nhà Thanh, các cuộc nổi dậy của người Dungan mang tính quốc tế. Chính phủ nhà Thanh nhận được sự hỗ trợ từ những người Hồi giáo trung thành với triều đình như là nhóm Khufiyya Sufis.
Trong khi đó, hồi giáo Tân Cương và lãnh đạo là Yaqub Beg, đã nhận được sự hỗ trợ từ Nga, Đế quốc Anh và Đế chế Ottoman. Yaqub Beg chính là người đã biến các cuộc nổi dậy thành một cuộc chiến tay ba khi, vào những năm 1860, những người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên chiến với người Hán định cư và “thánh chiến” chống lại người Hồi giáo Dungans.
Cuộc chiến tranh chỉ có vài trận, nhưng điều này đã không ngăn cuộc nổi dậy Dungan trở thành một trong những cuộc xung đột gây thảm sát nhất trong lịch sử. Tính đến năm 1877, tại Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ, 2 triệu người Hồi giáo đã chết và khoảng 6 triệu người Hán cũng bị giết. Những con số này chiếm gần 50% toàn bộ dân số của ba tỉnh. Phải mất hai năm, quân Thanh mới chiếm lại được Tân Cương. Khi đó, hàng triệu người Hồi giáo buộc phải trốn sang Nga trong khi những người lính Duy Ngô Nhĩ, người Uzbekistan và Afghanistan thì bị bắt hoặc bị xử tử. Tổng số người chết vì cuộc nổi loạn này có thể vượt quá con số 12 triệu. [tham khảo]
5. Cuộc khởi nghĩa khăn vàng
Chúng ta đã biết Trung Quốc thế kỷ 19 thực sự là một nỗi kinh hoàng, Trung Quốc thời cổ đại cũng không khá hơn. Trên thực tế, những năm 200 sau Công nguyên là đỉnh cao của sự tàn bạo cho đến khi Mao xuất hiện. Giữa năm 184 và 205 sau Công nguyên, nông dân Trung Quốc đã nổi dậy chống lại nhà Hán. Điển hình là Cuộc khởi nghĩa khăn vàng, cuộc chiến tàn khốc này có thể là cuộc chiến duy nhất trong lịch sử lấy cảm hứng từ những lời dạy của Đạo giáo.
Trương Giác, nhà lãnh đạo đầu tiên của cuộc khởi nghĩa, vô cùng bất bình với sự bất ổn về kinh tế và sự điều hành của triều đình nhà Hán. Khiếu nại của nông dân là vô số: thuế cao, nợ cao của chủ đất và hệ thống nông dân làm thuê bao gồm lao động nông dân bắt buộc (corvee) cho các gia đình quý tộc và nghĩa vụ quân sự bắt buộc ngày càng nặng nề.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn với sự lãnh đạo yếu kém của nhà Hán. Kể từ sau cái chết của Hoàng đế He, quyền lực đã rơi vào tay những kẻ thao túng triều đình, hoàng hậu, gia đình của họ và bọn hoạn quan. Tham nhũng xảy ra thường xuyên với việc mua bán các vị trí trong bộ máy cai trị. Nông dân phải chịu đựng nhiều khổ cực nhất, đặc biệt là trong thời gian hạn hán và lũ lụt. Khi những thiên tai này xuất hiện, những người tên vô dụng phụ trách kho lương nhà nước thường phải thừa nhận rằng không có đủ thực phẩm. Bị thúc đẩy bởi sự đói khát và giận dữ, nông dân đã thành lập lực lượng dân quân. Trương, một bậc thầy của Đạo giáo, được mệnh danh là thủ lĩnh đầu tiên của cuộc nổi dậy vì ông là một người chữa bệnh rất được trọng vọng ở Hà Bắc. Khẩu hiệu của Trương là “Thiên đường màu xanh xám (đại diện cho người Hán) đã chết, Thiên đường màu vàng (màu của Đạo giáo) sẽ được thành lập” . [tham khảo]
Quân đội nông dân, được biết đến với chiếc khăn màu vàng đặc trưng, đã chứng minh được năng lực chiến đấu hiệu quả của mình. Ngay khi cuộc nổi dậy mới bắt đầu, tỉnh Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử, Mạnh Tử và Zisi là cháu nội của Khổng Tử, đã giành lại được..
Từ đó, Zhang và các anh em của mình đã cố gắng truyền bá thông điệp về Đạo giáo, trong đó bao gồm quyền bình đẳng cho nông dân và cải cách ruộng đất. Những thông điệp này, cùng với khả năng chữa bệnh được cho là gia truyền họ Trương, đã chứng kiến những chiến thắng của đội quân trên sông Hoàng Hà và các khu vực lân cận Bắc Kinh.
Để dập tắt cuộc nổi loạn, Đông Hán đã tổ chức một đội quân lớn và bắt đầu tấn công vào các khu vực nơi hoạt động của đội quân đang cao trào. Vào năm 184 sau Công nguyên, Trương Giác đã bị giết trong khi bảo vệ Quảng Châu. Sự lãnh đạo của cuộc nổi loạn sau đó rơi vào tay hai anh em họ Trương khác, trong khi các nhóm nhỏ hơn của Khởi nghĩa khăn vàng chuyển sang làm thổ phỉ để duy trì cuộc chiến. Mặc dù người Hán đã chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng cái giá phải trả đã làm suy yếu cả triều đại, đến mức Tướng Tào Tháo, một lãnh chúa và quan chức của Đông Hán, người đầu tiên trải qua trận chiến chống lại Khởi nghĩa khăn vàng, đã tận dụng sự yếu kém của Hán triều để thành lập một nhà nước riêng biệt được gọi là Tào Ngụy. Người ta tin rằng cuộc Khởi nghĩa khăn vàng đã khiến cho khoảng 3 đến 7 triệu người thiệt mạng.
4. Cuộc chiến Tam quốc
Khởi nghĩa khăn vàng đã dẫn trực tiếp đến sự sụp đổ của nhà Hán. Việc tranh giành quyền lực không thể tránh khỏi đổ máu nên vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi một cuộc nội chiến nổ ra ở Trung Quốc. Đó chính xác là những gì đã xảy ra vào năm 220. Ba vương quốc đối đầu là Ngụy, Thục và Ngô đã gây chiến với nhau để thống nhất Trung Quốc. Chiến tranh kết thúc vào năm 266 khi triều đại Tây Tấn của miền Bắc Trung Quốc chinh phục Đông Ngô.
Khi nhà nước Đông Hán sụp đổ, Tào Phi con trai của Tào Tháo, nắm quyền kiểm soát nhà nước Ngụy ở miền Bắc Trung Quốc. Nhà Ngụy bao gồm một số cựu tướng Hán. Các tướng Hán khác đã lợi dụng sự hỗn loạn để thiết lập vương quốc của riêng mình. Tướng Shu-Han (Thục Hán) đã tạo ra nhà Thục ở tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, trong khi một cựu tướng Hán khác thành lập nhà Ngô tại Nam Kinh. Các vương quốc này ngay lập tức rơi vào cuộc chiến với nhau.
Trong năm 263 và 264, Ngụy đã đánh bại và chinh phục Thục. Hai năm sau, Tấn Vũ Đế, một trong những vị tướng của Ngụy, lên ngôi và lập nên vương triều Tây Tấn. Năm 280, Tây Tấn đánh bại nhà Ngô và thống nhất tất cả các vùng đất của triều đại nhà Hán trước đây trong một thời gian ngắn. Trung Quốc tiếp tục bị Tây Tấn kiểm soát cho đến năm 420.
Thời kỳ Tam Quốc được biết đến nhiều nhất ở Trung Quốc và là nguồn cảm hứng cho Tam quốc diễn nghĩa, một tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc – một trong những tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Được viết bởi La Quán Trung người Sơn Tây, cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào thế kỷ 14. Vẻ đẹp trong lời văn của ông và một số chính sách cải cách được nhắc đến (bao gồm các công trình thủy lợi và đóng tàu mới) đã che giấu thực tế khủng khiếp của thời kỳ này. [tham khảo]
Nỗi kinh hoàng thực sự của cuộc chiến được ghi lại bởi thống kê sau: nhà Hán, dân số Trung Quốc ở mức 54 triệu nhưng khi Tây Tấn lên nắm quyền, dân số Trung Quốc chỉ còn 16 triệu. Điều này có nghĩa là 36 – 40 triệu người đã chết trong cuộc xung đột kéo dài 60 năm này.
3. Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc
Lòng nhiệt thành với tôn giáo của một số thành phần sau đó đã gây phiền toái cho nhà Thanh. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 1850 đến 1864, một vị tướng táo bạo tên là Hồng Tử Toàn tự xưng là em trai của Chúa Jesus và là nhà tiên tri sẽ đem lại một kỷ nguyên mới cho người dân Trung Quốc.
Theo những đánh giá lịch sử, Hồng không bao giờ kiếm được nhiều tiền, chứ đừng nói đến việc lãnh đạo một cuộc nổi loạn, hay chỉ huy một đội quân lớn và hạ bệ một đế chế. Ông sinh năm 1814 tại tỉnh miền nam Quảng Đông. Khi còn trẻ, ông đã tham gia kỳ thi công chức bắt buộc của tất cả các quan chức có tham vọng. Ông đã thất bại với bài kiểm tra này nhiều lần. Sau đó Hồng quyết định về nhà.
Trên hành trình trở về vào năm 1847, Hồng rơi vào sự ảo tưởng, cho rằng mình và anh trai đã chiến đấu với lũ quỷ của Vương quốc Địa ngục. Để ngăn chặn lũ quỷ phá hủy thế giới, Hồng tuyên bố mình là Thiên vương, Chúa tể của vương quyền. [tham khảo]
Ảo tưởng của ông đã thu hút những tân binh từ những tầng lớp nghèo khổ bần cùng ở miền nam Trung Quốc. Thái Bình Thiên Quốc của Hồng đã hứa sẽ mang lại Thiên đường trên trần thế, loại bỏ nhà Thanh đáng ghét và loại bỏ các thế lực nước ngoài (cụ thể là người Anh và người Pháp) khỏi Trung Quốc. Viễn tưởng về một Trung Quốc mới sẽ là một nơi mà Kitô giáo được kết hợp với Nho giáo, cải cách ruộng đất và tài sản chung được chia sẻ giữa nông dân được xem là tiêu chuẩn, phụ nữ được trao một vị thế bình đẳng với đàn ông trong xã hội, và việc kiêng rượu và thuốc phiện sẽ được khuyến khích.
Đến cuối những năm 1850, Thái Bình kiểm soát thành phố cảng quan trọng của Nam Kinh và một phần ba của Trung Quốc. Ở thời kì đỉnh cao quyền lực, quân đội chạm mốc một triệu cả đàn ông và phụ nữ.
Bắt đầu từ năm 1853, quân đội Thái Bình bắt đầu thực hiện các cuộc chinh phạt về phương Bắc với hy vọng chiếm được Bắc Kinh, thủ phủ của nhà Thanh. Mặc dù Thái Bình đã thắng một số trận gần sông Hoàng Hà, nhưng họ không bao giờ có thể chiếm được Bắc Kinh. Phong trào nhanh chóng trở nên bất ổn khi Yang Xiuquing (Dương Tú Thanh), người nắm quyền dưới trướng, cố gắng thay thế Hồng. Hồng đã bắt Yang và những người theo ông bị xử tử. Sau đó, khi tướng Wei Changhui (Vi Xương Huy) bắt đầu trở nên kiêu ngạo, thì Hồng cũng đã giết anh ta. Những vụ giết chóc này đã khiến cho một số tướng lĩnh chuyển đổi phe phái và thuyết phục các cường quốc phương Tây thành lập quân đội của riêng họ để ngăn chặn Thái Bình.
Lực lượng chống Thái Bình nổi tiếng nhất là Quân đội Ever Victorious (EVA). Đội quân này được xây dựng tại Thượng Hải bởi các thương nhân người Anh, Mỹ và Pháp. Các binh sĩ Trung Quốc của quân đội được chỉ huy bởi một loạt các nhà thám hiểm quân sự, lính đánh thuê và binh sĩ chuyên nghiệp. Frederick Townsend Ward, một thủy thủ giàu kinh nghiệm 29 tuổi đến từ Salem, Massachusetts, và Charles Gordon, một sĩ quan quân đội Anh, người sau này chết ở Sudan, đã lãnh đạo EVA với nhiều vũ khí phương Tây. Quân đội EVA và quân Thanh thường xuyên được chu cấp đầy đủ vũ khí và tàu từ Anh và Pháp nên đã chấm dứt cuộc nổi loạn vào năm 1864.
Sự tàn phá sau cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc rất lớn, đến nỗi một số tỉnh của Trung Quốc đã không phục hồi được thiệt hại cho đến tận thế kỉ 20. Người ta tin rằng tổng cộng 20 – 30 triệu binh sĩ và thường dân Trung Quốc đã chết trong chiến tranh Thái Bình Thiên Quốc.
2. Biến An Lộc Sơn
Cuộc nổi dậy quân sự tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc được lãnh đạo bởi một người đàn ông đã từng cam kết trung thành với hoàng đế. Giữa năm 755 và 763, An Lộc Sơn, nguyên là tướng trong quân đội của triều đại nhà Đường, trở mặt với triều đình, chiếm lấy hai trong số những thành phố quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc, và kết quả là gần như tiêu diệt cả một dân tộc.
An Lộc Sơn ban đầu không phải một kẻ nổi loạn. Trên thực tế, suốt cuộc đời ông là một người anh hùng. Ông không phải là người Hán cũng không phải là thành viên của một nhóm dân tộc Đông Á nào. Gia đình của cha ông đến từ Bukhara ở Uzbekistan ngày nay. Cha của An là người Sogdian, người Ấn-Âu với mái tóc đỏ và chất nghệ sĩ.
Chính người Sogdian đã thống trị việc giao thương trên Con đường tơ lụa từ lâu, trước cả các hoàng đế Trung Quốc. Mẹ của An là một người Thổ Nhĩ Kỳ phương Đông (Gokturk) có gia đình là quý tộc đã tham gia vào việc tiếp quản ở Mông Cổ vào thế kỷ thứ năm sau Công nguyên.
Dân tộc An Lộc Sơn đã không phân biệt đối xử với ông. Hoàng đế Huyền Tông của triều đại nhà Đường đã khuyến khích các nhóm không phải người Trung Quốc tham gia bộ máy quan liêu nhà Đường, đặc biệt là quân đội. Giống như Đế chế La Mã quá cố, triều đại nhà Đường đánh giá cao những người này vì năng lực chiến đấu và kĩ thuật cưỡi ngựa điêu luyện của họ. Những người lính này cũng rất cần nhà Đường – triều đình không thể tự bảo vệ biên giới của họ khỏi các cuộc xâm lược bên ngoài.
Trong trận Talas ở Kyrgyzstan ngày nay, Abbasid Caliphate của Baghdad đã đánh bại một đội quân nhà Đường được hỗ trợ bởi lính đánh thuê Sogdian và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau trận chiến này, Trung Á chịu sự ảnh hưởng của người Hồi giáo thay vì Trung Quốc. Điểm sáng duy nhất của triều đại nhà Đường là những chiến thắng nhỏ của họ ở Tây Tạng.
Vào ngày 16 tháng 12 năm 755, Tướng An Lộc Sơn, người được Hoàng đế Huyền Tông bổ nhiệm làm tư lệnh đội quân 150.000 người, đã tuần hành chống lại triều đình nhà Đường. Một lời biện minh cho cuộc nổi loạn này được tuyên bố vì rằng ông đã phải chịu đựng những lời lăng mạ tại triều đình nhà Đường từ Dương Quốc Trung, đối thủ chính trị của ông. Không tốn nhiều thời gian, lực lượng của An đã chiếm được thành phố Lạc Dương ở tỉnh Hà Nam. Vào thời điểm đó, Lạc Dương là thủ đô phía đông của nhà Đường. Tại Lạc Dương, An tuyên bố thành lập triều đại Đại Yên với chính mình là hoàng đế đầu tiên. Lực lượng của An sau đó chuyển sang đánh chiếm miền nam Trung Quốc cũng như thủ đô nhà Đường là Trường An. An Lộc Sơn đảm bảo sẽ đối xử với quân Đường bị bắt thật hào phóng để họ tự nguyện nhất tề quy phục. [tham khảo]
Phải mất hai năm, quân đội Đại Yên mới chiếm được tỉnh Hà Nam. Trong khi đó, nhà Đường đã thuê 4.000 lính đánh thuê Ả Rập để bảo vệ Trường An. Nhà Yên có vẻ không thể lấy được thành phố. Tuy nhiên, Dương Quốc Trung lại quyết định tuyên chiến với Đại Yên trên vùng đồng bằng ngoài Trường An. Người của An Lộc Sơn dễ dàng đánh bại lực lượng nhà Đường này, và do đó, Dương Quốc Trung và Hoàng đế Huyền Tông phải chạy trốn đến Tứ Xuyên. Cuối cùng, Huyền Tông thoái vị và Trường An trở thành thủ đô của nước Yên.
Cuộc nổi dậy của An Lộc Sơn phải đối mặt với thất bại đầu tiên vào năm 757. Vào năm đó, một đội quân nhà Đường gồm 22.000 tân binh người Ả Rập và người Duy Ngô Nhĩ đã chiếm lại Trường An . Những binh sĩ đội quân Hồi giáo này kết hôn với phụ nữ Hán địa phương, do đó tạo ra nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo ngày nay.
Cùng năm đó, con trai của An Lộc Sơn, An Khánh Tự, đã giết cha mình và sau đó bị giết bởi người bạn của An Lộc Sơn, Sử Tư Minh. Sử Tư Minh sau này cũng bị con trai sát hại, và sự bất ổn của triều đình Đại Yên đã dẫn đến việc hàng trăm tướng đào tẩu trở lại triều Đường.
Năm 763, các cuộc xung đột nội bộ và sự tấn công của nhà Đường đã chấm dứt cuộc nổi loạn. Số người chết cuối cùng cũng được thống kê. Năm 754, dân số Trung Quốc được ghi nhận ở mức hơn 52 triệu. Đến năm 764, chỉ còn 16,9 triệu người Trung Quốc còn sống. Điều đó có nghĩa là 36 triệu người đã thiệt mạng do cuộc tranh giành quyền lực của An Lộc Sơn.
1. Cuộc chinh phạt của người Mãn Châu thời nhà Minh
Vương triều Hán cuối cùng của Trung Quốc là triều đại nhà Minh, tồn tại từ năm 1368 đến năm 1644. Nhà Minh được lừng danh cho đến ngày nay không chỉ vì những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, đặc biệt là việc họ sử dụng đồ sứ, mà còn vì họ đã lật đổ ách thống trị của triều đại Mông Cổ đồng thời thiết lập quyền bảo hộ tại Việt Nam và Myanmar.
Kế thừa nhà Minh, triều đại nhà Thanh tồn tại trong suốt 276 năm đã làm tăng địa vị của Trung Quốc đến cực lớn. Nhà Thanh đã chinh phục Tây Tạng, Mông Cổ và một phần của Siberia. Ngày nay, nhiều người Trung Quốc nhớ đến nhà Thanh vì mang lại sự mở rộng lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu những lời khen ngợi này đến từ người Hán thì thật mỉa mai. Rốt cuộc, dưới thời Mãn Thanh, người Hán chính thức chỉ là công dân hạng hai và phải trải qua một trong những cuộc chiến tranh tồi tệ nhất trong lịch sử.
Người Mãn Châu ở miền Bắc Trung Quốc, những người có quan hệ gần gũi với các dân tộc Tungus khác như người Evenks của Siberia, Orochs của Nga và Ukraine, Sibe của Tân Cương, được lãnh đạo bởi lãnh chúa Mãn Châu Nỗ Nhĩ Cáp Xích vào thế kỷ 17. Trong 30 năm, nhà Minh Trung Quốc được hưởng hòa bình vì Nỗ Nhĩ Cáp Xích quá bận rộn với việc hợp nhất quân sự giữa năm bộ lạc Mãn Châu của miền Bắc Trung Quốc. Khi điều này được thực hiện, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã thành lập Bát Kì Mãn Châu, một hệ thống đầu não cho quản trị quân sự và dân sự.
Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tuyên bố mình là người chân truyền của triều đại Kim được tái lập (hay còn gọi là Hậu Kim). Để thể hiện sự giàu có và địa vị của mình, ông đã xây dựng một cung điện rực rỡ tại thủ đô của mình ở Phụng Thiên (ngày nay là Thẩm Dương). Hai năm sau, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tuyên chiến với nhà Minh sau khi ủy thác một tài liệu có tên là Seven Great Vexations (tạm dịch: Bảy mối quan ngại lớn). [tham khảo]
Trong đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đổ lỗi cho chính quyền nhà Minh ủng hộ bộ lạc Yehe, một trong những bộ lạc phía Bắc mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã chiến đấu chống lại. Cho đến khi qua đời năm 1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác: đánh bại quân đội nhà Minh, bộ lạc Mông Cổ và triều đại Joseon của Hàn Quốc.
Trong khi đội Mãn Châu rất đáng gờm, triều đại nhà Minh suy sụp từ bên trong. Do sự bất ổn về tài chính và các cuộc nổi loạn không ngừng của nông dân, các quan chức Hán Trung đã yêu cầu người kế vị của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực, tự xưng mình là hoàng đế. Vào ngày 24 tháng 4 năm 1644, Bắc Kinh đã bị nắm giữ bởi một đội quân nông dân do Lý Tự Thành lãnh đạo, người đã tuyên bố thành lập vương triều Đại Thuận.
Chỉ hơn một tháng sau, tại trận chiến đèo Shanhai, Ngô Tam Quế của quân đội nhà Minh liên minh cùng với Mãn Châu và mở đường ở Vạn Lý Trường Thành tại đèo Shanhai cho quân đội Mãn Châu của Hoàng tử Đa Nhĩ Cổn tiến vào Đồng bằng trung tâm. Từ thời điểm này cho đến năm 1662, triều đại nhà Thanh của Mãn Châu đã dần đánh bại vương triều Đại Thuận và Đại Tây của nhà lãnh đạo phong trào nông dân Trương Hiến Trung. Cuộc chiến chinh phạt này nhiều khả năng đã giết chết hơn 25 triệu người . Cuộc chiến đã phơi bày bản chất tàn bạo của nhà Thanh. Những người lên án nhà Thanh đã đưa ra một hình phạt được gọi là “bá đao trảm quyết” (lăng trì). Những tên tội phạm bị kết án hình phạt này đã phải chịu những vết cắt liên tục trong nhiều giờ trước khi bị siết cổ và chặt đầu. Mặc dù vậy kiểu trừng phạt này hiếm khi được sử dụng, phổ biến hơn là cắt tóc.
Cắt tóc như vậy tức là cạo trọc đầu hoàn toàn ngoại trừ một chỏm đuôi dài. Việc này đã trở thành một phần của cuộc sống người Hán khi Hoàng đế Thanh Shunzi (Thuận Trị) ra lệnh buộc tất cả người Hán áp dụng nó như là một biểu hiện của sự phục tùng. Khi đàn ông người Hán nổi dậy chống lại luật lệ này, nhà Thanh đã đưa ra chính sách chặt đầu. Cụ thể, bất kỳ người đàn ông nào từ chối để kiểu tóc đó sẽ bị xử trảm. Nỗi sợ hãi của nhà Thanh và Mãn Châu ăn sâu đến nỗi vào cuối những năm 1920, rất lâu sau khi lật đổ vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh vào năm 1911, nhiều đàn ông người Hán Trung Quốc vẫn từ chối cắt đi đuôi tóc của họ.
BENJAMIN WELTON từ Listvers – Quỳnh Chi dịch