Một ngôn ngữ chết đi như thế nào?
Cái chết của một ngôn ngữ cũng là cái chết của một nền văn hóa. Người ta hoài nghi về lý do vì sao có quá nhiều ngôn ngữ, nhưng khá rõ ràng về việc vì sao một ngôn ngữ chết đi.
Có bao nhiêu ngôn ngữ đang tồn tại trên thế giới?
Các nhà ngôn ngữ học ước tính có khoảng 7,000 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Đây không phải là một con số cố định. Vì theo thời gian có những ngôn ngữ sẽ chết đi. Và hơn một nửa con số này được dự đoán là có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ 21 [nguồn].
Ở Việt Nam có 54 dân tộc và mỗi dân tộc thường có ngôn ngữ và phương ngữ của riêng mình. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2009, có khoảng 129 phương ngữ được sử dụng trên khắp đất nước. Và dĩ nhiên, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức và phổ biến nhất ở Việt Nam.
Những lý do nào khiến một ngôn ngữ chết dần?
Có những lý do khách quan và chủ quan. Trước tiên, dành chút thời gian cho quảng cáo dưới đây.
Từ câu sai đến câu hay – Trần Đức Dân
Nhân nói về ngôn ngữ, các ông nếu có thời gian có thể tham khảo cuốn sách này của nhà báo Trần Đức Dân. Một người có lẽ “hiếm hoi” trân trọng tiếng Việt và “sự trong sáng” của tiếng Việt với lòng nhiệt thành lan truyền đến vậy.
Do chiến tranh hay thảm họa
Ví dụ, ở El Salvador, những người nói tiếng Lenca và Cacaopera bản địa đã từ bỏ ngôn ngữ của họ để tránh bị giết. Theo ước tính, khoảng từ 10.000 đến 40.000 người đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát này, đa số là người nông dân và lao động.
Từ đây, dự đoán rất có thể nhiều ngôn ngữ cổ xưa của những dân tộc thiểu số và yếu thế (với dân số ít) có thể đã biến mất vì chiến tranh hay thảm họa.
Quá trình hòa lẫn và biến mất
Chiến tranh hay thảm họa chỉ là những sự kiện “thiên nga đen”, không phải là lý do phổ biến. Lý do phổ biến nhất là vì quá trình hòa nhập văn hóa. Khi các thế hệ sau này của các dân tộc ít người dần nói song ngữ thì họ cũng mất dần đi khả năng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ truyền thống của cha mẹ họ.
Cứ thế, thêm vài đời nữa là họ không nói được tiếng mẹ đẻ nữa. Điều này cũng thường xảy ra khi các thế hệ sau tìm cách học một ngôn ngữ có uy tín hơn nhằm đạt được những yếu tố có lợi về kinh tế xã hội và tránh bị phân biệt đối xử.
Ngày nay, áp lực này mạnh hơn bao giờ hết với ngôn ngữ ít người nói. Lý do là vì quá trình toàn cầu hóa trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, công nghệ, giải trí đòi hỏi người ta phải biết song ngữ (hoặc hơn thế). Và nếu dân tộc họ quá ít người, kinh tế yếu, tinh thần bản sắc văn hóa yếu… tiếng nói của họ sẽ biến mất.
Tiếng Do Thái là trường hợp đặc biệt
Vào thế kỷ thứ 2, tiếng Do Thái gần như đã biến mất. Nhưng ngôn ngữ này vẫn còn được sử dụng như ngôn ngữ tôn giáo và học thuật. Và cuối cùng nó đã “hồi sinh” vào thế kỷ 19 và hiện đang là ngôn ngữ hàng triệu người dùng ở Israel.