Những sự thật đáng kinh ngạc về Đài tưởng niệm Washington
Dịch vụ Công viên Quốc gia (The National Park Service) gọi kế hoạch thiết kế ban đầu là “táo bạo, tham vọng và đắt đỏ“…
Vào ngày 19 tháng 9 năm 2019, Đài tưởng niệm Washington đã mở cửa trở lại với công chúng sau ba năm cải tạo. Khách du lịch đã háo hức xếp hàng sớm để trải nghiệm thang máy mới và ngắm nhìn một trong những khung cảnh đẹp nhất phía Đông Mississippi.
Đài tưởng niệm Washington là một cấu trúc ấn tượng đặc thù cho một biểu tượng của nước Mỹ, nhưng việc xây dựng nó không được suôn sẻ (nó thực sự bị gián đoạn trong nhiều thập kỷ bởi một cuộc đảo chính chính trị). Dưới đây là những sự thật đáng ngạc nhiên về đài tưởng niệm được yêu thích của nước Mỹ.
Đài tưởng niệm Washington đã được lên kế hoạch trước khi Washington qua đời
Thật không quá khi nói rằng người Mỹ yêu mến George Washington đến mức nào. Ngay từ năm 1783, khi Washington còn sống, các kế hoạch đã được thực hiện để dựng lên một bức tượng lớn của vị tổng thống đầu tiên trên lưng ngựa gần tòa nhà Quốc hội (United States Capitol).
Trên thực tế, kiến trúc sư của Washington, DC, cũng là kỹ sư cảnh quan người Pháp – Charles Pierre L’Enfant, đã gợi mở một nơi cho bức tượng trong bản vẽ của mình. Và đó gần như chính xác là nơi Đài tưởng niệm Washington đứng sừng sững hôm nay.
Quốc hội đã không thông qua bức tượng cưỡi ngựa và ngay cả sau khi Washington qua đời vào năm 1799, các nhà lập pháp không thể nhất trí về loại tượng đài nào phù hợp nhất với vị anh hùng dân tộc. Thất vọng với sự trì trệ đó của quốc hội, một tổ chức tư nhân được gọi là Hội đài tưởng niệm quốc gia Washington (Washington National Monument Society) được thành lập vào năm 1833 để quyên tiền và thu hút các thiết kế cho một sự tôn kính quy mô lớn đối với vị tổng thống đầu tiên và được yêu quý của nước Mỹ.
Thiết kế ban đầu là một “Mashup”
(Mashup là từ chỉ về sự kết hợp nhiều thứ lại với nhau để tạo nên một tổng thể mới hoàn chỉnh)
Năm 1836, Hội đài tưởng niệm quốc gia Washington (Washington National Monument Society) đã công bố một cuộc thi thiết kế cho Đài tưởng niệm Washington trong tương lai, và bản phác thảo chiến thắng đã được gửi bởi một kiến trúc sư 29 tuổi tên là Robert Mills, người này về sau đã tiếp tục thiết kế Bưu điện Hoa Kỳ (U.S. Post Office), Cục Sáng chế (Patent Office) và Kho bạc Treasury (Treasury Building).
Thiết kế ban đầu của Miller là sự kết hợp các tài liệu tham khảo kiến trúc. Đầu tiên, phải có một tấm bia cao 600 feet (182 mét) với đỉnh bằng phẳng, một góc xiên theo phong cách Ai Cập. (Lưu ý rằng ngay sau cái chết của Washington, Hạ viện đã đề xuất xây dựng một kim tự tháp bằng đá cẩm thạch, mỗi bên 100 feet, để làm lăng mộ của tổng thống đầu tiên. Có lẽ các pharaoh sẽ chấp thuận, nhưng Quốc hội thì không! 🙂
Trong bản phác thảo ban đầu của Miller, một đài tưởng niệm khổng lồ theo kiểu Ai Cập sẽ được bao chung quanh bởi một ngôi đền tân cổ điển với 30 cột cao chót vót. Trên mái của ngôi đền hình tròn sẽ là một bức tượng của Washington trên một cỗ xe ngựa, và ở giữa mỗi cột trong số 30 cột sẽ có tượng của 30 anh hùng trong lịch sử khác nhau. (xem hình nha!)
Dịch vụ Công viên Quốc gia (The National Park Service) gọi kế hoạch thiết kế ban đầu là “táo bạo, tham vọng và đắt đỏ”, thế nên cuối cùng bản phác thảo đã bị loại bỏ hầu hết các chi tiết chỉ còn lại cột đài tưởng niệm.
Có một hộp kẽm thời gian trong viên đá nền móng
Ước tính có khoảng 15.000 đến 20.000 người tụ họp đông đúc tại National Mall để chứng kiến lễ đặt viên đá đầu tiên của Đài tưởng niệm Washington vào ngày 4 tháng 7 năm 1848. Nhưng trước tiên, khối đá cẩm thạch trắng tinh khiết nặng 24.500 pound (11.113 kg) phải được kéo qua các đường phố trên một chiếc xe đẩy với rất nhiều người hỗ trợ để nắm những sợi dây.
Sau bài phát biểu kéo dài hai tiếng của Chủ tịch Hạ viện, các vị chức sắc đã tập hợp lại đặt vật lưu niệm trong một hộp kẽm sẽ được niêm phong trong nền móng của tượng đài này mãi mãi (hoặc cho đến khi một chủng tộc ngoài hành tinh nào đó nhổ nó lên từ đống đổ nát của nền văn minh phương Tây).
Những thứ bao gồm trong hộp kẽm thời gian (Zinc Time Capsule) này, là các bản sao Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp, một bức chân dung của Washington, một lá cờ Mỹ, cũng với tất cả các đồng tiền đang lưu hành và báo chí từ 14 tiểu bang. Việc đặt viên đá nền móng này được thực hiện bởi một ông trùm của các Masonic lodges (đơn vị tổ chức cơ bản của Hội Tam Điểm).
Công trình bị đình trệ bởi món quà của Giáo hoàng
Đến năm 1856, sau tám năm xây dựng chậm chạp và vất vả, cột tưởng niệm cao 156 feet (47 mét) còn dang dở – mà Mark Twain mô tả là “trông như một ống khói trống rỗng và quá khổ” – công trình cứ trông tiếp tục như thế trong 21 năm tiếp theo. Lý do là liên quan đến món quà của Giáo hoàng.
Vào năm 1853, Hội Đài tưởng niệm Quốc gia Washington còn rất ít tiền, vì vậy họ đã đưa ra một kế hoạch, theo đó các nhà tài trợ lớn có thể có một viên đá kỷ niệm được đặt trong một tấm bia. Một trong những nhà tài trợ cuối cùng là Giáo hoàng Pius IX, người đã vận chuyển một mảnh đá cẩm thạch dài 3 feet (91 cm) từ Đền thờ Concord ở Rome.
Món quà của Giáo hoàng đã thực sự chọc giận các thành viên của “Đảng Bản địa Mỹ” (“Know-Nothing” party), những người gay gắt chống nhập cư và chống Công giáo. Vào đêm ngày 6 tháng 3 năm 1854, một nhóm người đàn ông đã bắt nhốt người canh gác đêm trong nhà kho và lấy trộm hòn đá của Giáo hoàng, rồi sau đó được cho là đã ném nó xuống sông Potomac.
Cuộc tranh cãi về viên đá bị đánh cắp đã khiến các khoản đóng góp rơi vào bế tắc. Nhưng thậm chí điều tệ hơn là những gì đã xảy ra tiếp theo; một đội ngũ của đảng Know-Nothings đã tổ chức một cuộc đảo chính và lật đổ sự lãnh đạo của Hội Đài tưởng niệm. Các khoản quyên góp đã cạn kiệt hoàn toàn, công trình chỉ có thể tăng thêm 20 feet (6 mét). Sau khi Nội chiến bùng nổ, khi việc xây dựng bị dừng lại hoàn toàn.
Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, địa điểm này đã được sử dụng để chăn thả và giết mổ gia súc của chính phủ, nên còn được đặt biệt danh là Beef Depot Monument – Tượng đài Kho chứa bò.
Tượng đài có ba màu khác nhau
Suốt thời gian Nội chiến, khuôn viên của Đài tưởng niệm Washington cứng đầu được sử dụng làm bãi chăn gia súc và lò mổ, cuối cùng sau Nội chiến, Quốc hội đã quyết định tiếp quản nó. Vào ngày 5 tháng 7 năm 1876, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Tuyên ngôn Độc lập, Quốc hội đã quyết định dành 2 triệu đô la để hoàn thành di tích và xây dựng trở lại vào năm 1877.
Nhiệm vụ đầu tiên của kỹ sư trưởng mới, Thomas L. Casey, là giảm tổng chiều cao của đài tưởng niệm xuống còn 555 feet (169 mét), chính xác là gấp 10 lần chiều rộng của cấu trúc, và dành nhiều năm để gia cố nền móng bằng bê tông.
Vấn đề tiếp theo là nề. Mỏ đá ban đầu ở Baltimore đã ngừng hoạt động, vì vậy kỹ sư trưởng Casey đã thử cho vận chuyển đá từ Massachusetts. Nhưng sau khi chỉ đặt một vài lớp đá này, rõ ràng nó có màu khác và chất lượng kém hơn so với ban đầu. Vì vậy, các nhà xây dựng đã thay đổi chiến thuật một lần nữa và mang đá từ một mỏ đá khác của Baltimore, và nó đã được sử dụng để hoàn thành hai phần ba còn lại cuối cùng của đài tưởng niệm.
Kết quả là Đài tưởng niệm Washington gần như trắng ở phía dưới, một màu hồng nhạt ở phía trên với một vành đai mỏng màu nâu nhạt ở giữa.!!
Viên đá đỉnh “tốn kém”
Việc xây dựng Đài tưởng niệm cuối cùng đã được hoàn thành vào ngày 6 tháng 12 năm 1884, hơn 36 năm sau khi nền móng đầu tiên được đặt. Cùng với đó là thiết lập một nghi lễ của viên đá trên đỉnh (capstone). Khi bạn nghĩ về kim loại quý phù hợp với viên đá capstone của một tượng đài cao hơn 169 mét dành riêng cho vị anh hùng vĩ đại nhất của quốc gia, bạn sẽ nghĩ đến vàng, có thể là bạc, nhưng chắc chắn không phải là nhôm!!!
Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, nhôm nguyên chất là một mặt hàng rất hiếm và nó được chọn vì kim loại này sẽ không bị xỉn màu. (Năm 1884, nhôm dự trù tốn $ 1.10 mỗi ounce hoặc $ 26 mỗi ounce vào năm 2019 USD; năm 2019, nhôm dự trù kinh phí khoảng 78 cent cho mỗi pound). Nó trở thành viên đá nhôm nguyên khối lớn nhất thế giới. Chi phí cuối cùng của Đài tưởng niệm Washington là 1,18 triệu đô la vào năm 1884 hoặc gần 30 triệu đô la trong năm 2019.
Trước khi viên đá đỉnh capstone được chuyển đến Washington, DC, nó đã được triển lãm trên sàn showroom của Tiffany & Co. ở thành phố New York, nơi du khách có thể nói rằng họ “nhảy qua Đài tưởng niệm Washington!”.
Từng là cấu trúc nhân tạo cao nhất thế giới trong 5 năm
Và sau đó tháp Eiffel đã được xây dựng năm 1789, với độ cao 1.063 feet (302,4 mét) cao gần gấp đôi Đài tưởng niệm Washington.
Nhưng Đài tưởng niệm Washington là – và có lẽ sẽ luôn luôn là – cấu trúc cao nhất từ trước đến nay tại Washington, DC. Nó không liên quan gì đến các nhà quy hoạch thành phố, những người không muốn bất kỳ tòa nhà nào chặn tầm nhìn của Tòa nhà Quốc hội hoặc Đài tưởng niệm Washington. Đó thực sự là một huyền thoại. Bạn có thể tìm hiểu thêm về đạo luật chiều cao các tòa nhà năm 1910.
Nửa triệu khách du lịch lên đài tưởng niệm mỗi năm
Đài tưởng niệm Washington là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Washington DC và hàng triệu người đến thăm khu di tích này mỗi năm. Nhưng chỉ có một thang máy kéo mọi người lên tầng quan sát, nên chỉ có 55 người có thể được nhận vào di tích cứ sau nửa giờ. Điều đó có nghĩa là khoảng 500.000 người thích ngắm cảnh ngoạn mục từ đỉnh Đài tưởng niệm Washington mỗi năm.
Hệ thống thang máy mới được lắp đặt sẽ chỉ mất 70 giây để đưa du khách đến tầng quan sát 51 tầng, nơi họ sẽ ngắm nhìn toàn cảnh National Mall, Tòa nhà Quốc hội (Capitol Building), Nhà Trắng và vùng ngoại ô của Virginia và Maryland lên đến 25 dặm.
Bài viết có sử dụng những nguồn sau:
- https://adventure.howstuffworks.com/destinations/landmarks/places-of-interest/washington-monument.htm
- http://npshistory.com/publications/wamo/history/chap1.htm
- http://npshistory.com/publications/wamo/history/chap2.htm
- http://npshistory.com/publications/wamo/history/chap3.htm
- http://npshistory.com/publications/wamo/history/chap4.htm
- Các bài tham khảo từ Wikipedia: đã có dẫn link trong bài viết